Pháp cưỡng chế di dời hàng nghìn người nhập cư

16:14' - 07/07/2017
BNEWS Cảnh sát thủ đô Paris của Pháp ngày 7/7 đã cưỡng chế di dời 2.500 người nhập cư đang sống tạm trong điều kiện tồi tàn ở phía Bắc thành phố.
Người nhập cư và người tị nạn tụ họp trên đường phố trong suốt cuộc cưỡng chế di dời các lèu trại xung quanh khu vực cảng Chapelle, phía bắc Thủ đô Paris ngày 7/7/2017. Ảnh: AFP PHOTO

Việc cưỡng chế di dời này nhằm làm giảm căng thẳng phát sinh do dòng người di cư ồ ạt đổ về châu Âu.

Việc di dời trên được triển khai đối với những người nhập cư sống quanh một trung tâm cứu trợ được xây dựng tại khu vực cảng Chapelle hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Nhà chức trách đã điều động 60 xe buýt đưa những người thuộc diện phải di dời tới 2 trong số nhiều nơi ở tạm khác cũng thuộc địa phận thủ đô Paris, chủ yếu là các khu thể thao trường học vốn bỏ trống trong dịp nghỉ Hè. Một số tổ chức từ thiện cũng đã tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động di dời này.

Trước đó, chính quyền Paris dự tính sẽ di dời khoảng 1.600 người, song theo một quan chức chính quyền Paris, số người di dời trên thực tế cao hơn nhiều, với ít nhất 2.500 người được đưa tới nơi ở mới. Đây là lần thứ 34 giới chức Paris tiến hành hoạt động này trong 2 năm trở lại đây.

Thủ đô Paris trở thành một trong những điểm tập trung người nhập cư sau khi nhà chức trách Pháp hồi tháng 10 năm ngoái phá dỡ hoàn toàn khu lán trại tị nạn tạm bợ Jungle gần cảng Calais, vốn được coi là nơi trú chân của hàng chục nghìn người nuôi hy vọng có thể từ đây sang Anh.

Cảnh sát chống bạo động Pháp lập thành hàng rào bảo vệ phía trước những người nhập cư và người tị nạn trong suốt thời gian cưỡng chế di dời các lều bạt tồi tàn  xung quanh khu cảng Chapelle ngày 7/7/2017. Ảnh: AFP 

Hôm 9/5 vừa qua, chính quyền Paris cũng đã tiến hành di dời 1.600 người nhập cư khỏi nơi ở tạm xung quanh khu vực cảng Chapelle. Trong khi đó, các nhân viên cứu trợ cho biết gần đây, việc mỗi tuần có thêm khoảng 200 người di cư tới sống vạ vật quanh khu vực này đang gây nhiều quan ngại về tình hình an ninh và vệ sinh.

Cuộc khủng hoảng người di cư tới châu Âu nổ ra từ năm 2015, đáng chú ý có hàng trăm nghìn người đổ về Hy Lạp. Rất nhiều người trong số này buộc phải sống trong cảnh tha hương do trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông và Afghanistan.

Cuộc khủng hoảng trên đã lắng dịu phần nào trong năm 2016 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp tới nước này để tìm cách vào "Lục địa Già".

Tuy nhiên, tình hình lại trở nên căng thẳng trong năm nay, khi dòng người di cư, chủ yếu tại khu vực Nam sa mạc Sahara, tìm cách vượt biển từ Libya để tới Italy. Hôm 5/7 vừa qua, bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU đã cam kết hỗ trợ Italy, san sẻ gánh nặng với quốc gia đang trong tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận tới 85.000 người di cư kể từ đầu năm đến nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục