Pháp, Đức hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải của EU

15:47' - 09/01/2024
BNEWS EC thông báo đã phê duyệt các chương trình tài trợ của chính phủ từ Pháp và Đức như một phần trong nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải khí nhà kính.

Ngày 8/1, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã phê duyệt các chương trình tài trợ của chính phủ từ Pháp và Đức như một phần trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải khí nhà kính.

Thông báo cho biết khoản đầu tư viện trợ của Pháp với tổng trị giá 2,9 tỷ euro (khoảng 3,18 tỷ USD) nhằm tận dụng các khoản miễn thuế để hỗ trợ các công ty có kế hoạch đầu tư vào sản xuất pin Mặt Trời, pin, tuốc-bin gió và máy bơm nhiệt, cũng như các bộ phận chính và vật liệu quan trọng cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm này.

 

Trong khi đó, khoản hỗ trợ trị giá 902 triệu euro của Đức dành cho Northvolt, một nhà sản xuất pin của Thụy Điển, nhằm xây dựng nhà máy tập trung vào sản xuất pin cho xe điện ở thành phố Heide. Việc sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026 với công suất hoạt động đạt tối đa vào năm 2029.

Theo Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EC Margrethe Vestager, khoản viện trợ trên của Đức sẽ cho phép Northvolt đầu tư vào một siêu nhà máy để sản xuất pin cho xe điện ở châu Âu thay vì ở Mỹ.

Năm 2019, EC đã công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) và thỏa thuận này đã được thông qua vào tháng 1/2020. Đây là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050, với các gói sáng kiến chính sách khung nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

Theo một báo cáo công bố gần đây, một nửa trong số 2.000 công ty đã niêm yết lớn nhất thế giới đặt ra các mục tiêu không phát khí ròng vào giữa thế kỷ, nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ đáp ứng được các hướng dẫn của Liên hợp quốc (LHQ) về cam kết chất lượng.

Nhóm cung cấp dữ liệu độc lập Net Zero Tracker cho biết số công ty trong chỉ số Forbes2000 đặt ra các mục tiêu không phát thải ròng tăng 40% lên 1.003 trong tháng 10/2023, so với con số 702 của tháng 6/2022.

Tuy nhiên, chỉ 4% các mục tiêu đáp ứng tiêu chí được đặt ra theo chương trình "Chạy đua để không phát thải" của LHQ, như bắt tay vào việc cắt giảm khí thải ngay và cập nhật tiến độ hàng năm về các mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Trong số các công ty đã có mục tiêu, chỉ 37% đặt mục tiêu về phát thải gián tiếp khác phát sinh từ các hoạt động có liên quan từ chuỗi giá trị, xuất phát từ các nguồn mà doanh nghiệp không sở hữu hoặc kiểm soát. 13% đặt ra ngưỡng về chất lượng khi sử dụng việc đền bù khí thải.

Ngoài các công ty, Net Zero Tracker theo dõi các cam kết của các quốc gia, các khu vực và các thành phố, dựa trên phân tích dữ liệu của con người và máy móc.

Net Zero Tracker bao gồm Oxford Net Zero, The Energy & Climate Intelligence Unit, Data-Driven EnviroLab và NewClimate Institute.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục