Pháp: ECB không nên quá “mạnh tay” với việc nâng lãi suất

19:48' - 25/09/2023
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau ngày 25/9 nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên duy trì lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian đủ lâu để kiểm soát lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau ngày 25/9 nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên duy trì lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian đủ lâu để kiểm soát lạm phát, nhưng cần tránh tăng lãi suất nhiều hơn vì có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế khu vực.

 

Trong bài phát biểu chuẩn bị trước cho một sự kiện quy tụ các ngân hàng trung ương lớn, Thống đốc Villeroy de Galhau cho biết các nhà hoạch định chính sách ngày càng tin tưởng rằng họ đang đi đúng hướng trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% vào năm 2025.

Dựa trên đánh giá hiện tại của Ngân hàng Trung ương Pháp, ông Francois Villeroy de Galhau cho rằng lãi suất chính của ECB đã đạt đến mức đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu kịp thời nếu được duy trì trong thời gian đủ dài.

Ông cho hay ECB hiện có thể tập trung hành động để đảm bảo nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ “hạ cánh mềm” – chỉ việc tăng trưởng kinh tế chậm lại mà không xảy ra suy thoái.

Ông Villeroy de Galhau cho biết rủi ro ECB quá mạnh tay cần phải được cân bằng với nguy cơ họ không hành động đủ nhiều. Theo đánh giá của ông, những rủi ro này hiện đang khá cân bằng, bảo vệ cách tiếp cận “kiên nhẫn và bền bỉ” của ECB.

Bên cạnh đó, ông cho biết ECB hiện không cần tăng lãi suất nhưng có thể nối lại việc này nếu cần thiết, nhấn mạnh đây là một rủi ro có thể quản lý được.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cũng lưu ý các quyết định của ECB vẫn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. Ông khuyến nghị ECB theo dõi đà tăng vọt hiện tại của giá dầu và cảnh báo về "nguy cơ nới lỏng quá sớm".

Theo ông, ECB hiện nên tập trung vào việc duy trì chính sách thay vì liên tục đẩy lãi suất lên cao hơn nữa.

ECB, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất đáng kể trong nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng, vốn đã tăng cao sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2022. Tại cuộc họp đầu tháng này, ECB đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp và đưa lãi suất tiền gửi lên mức cao kỷ lục 4%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục