Pháp muốn Quỹ Phục hồi EU có quy mô từ 150-300 tỷ euro

07:53' - 09/05/2020
BNEWS Pháp đã đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) phát hành trái phiếu để tài trợ cho Quỹ Phục hồi Liên minh châu Âu (EU) có trị giá tương đương 1-2% Tổng thu nhập quốc dân mỗi năm (GNI) của khối từ năm 2021-2023.

EU đang tranh luận về cách khởi động lại đà tăng trưởng kinh tế sau khi ghi nhận sự sụt giảm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dự kiến trong tuần bắt đầu từ ngày 18/5, EC sẽ đưa ra đề xuất chính thức về ngân sách chung mới cho tất cả 27 quốc gia thành viên trong giai đoạn 2021-2027, được gọi là Khung tài chính dài hạn (MMF) và Quỹ Phục hồi đi kèm.

Theo một tài liệu của phía Pháp liên quan tới Quỹ Phục hồi, Paris cho rằng quy mô của quỹ nên đạt ít nhất từ 1 - 2% GNI của EU mỗi năm trong ba năm tới. Điều này sẽ cung cấp cho ngân sách EU khoản đầu tư từ 150 - 300 tỷ euro (khoảng 162,4 – 324,8 tỷ USD) mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2021 - 2023.

Tài liệu của Pháp khẳng định quỹ này cần được thiết lập càng sớm càng tốt, có thể trước khi MMF tiếp theo có hiệu lực. Hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về việc xây dựng một quỹ phục hồi chung. Nhưng hầu hết các chi tiết cụ thể vẫn chưa được bàn thảo rõ ràng.

Tài liệu cũng nói rằng các khoản vay cho các quốc gia thành viên có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nước, song EU vẫn cần duy trì một khoản trợ cấp ngoài những khoản vay trên. Để đảm bảo giá trị gia tăng tối đa, các khoản vay như vậy cần có thời gian ân hạn, thời gian đáo hạn rất dài và lãi suất thấp.

Paris đề nghị EC nhanh chóng thực hiện phát hành trái phiếu một lần với thời gian đáo hạn từ 2-8 năm để gây quỹ chống lại sự gia tăng khoảng cách giữa mức trần tài chính tối đa mà EC có thể kêu gọi từ các quốc gia thành viên và chi tiêu thực tế, cùng sự bảo lãnh của các chính phủ. Những trái phiếu như vậy có thể được gia hạn đáo hạn trong một thời gian dài trước khi được ngân sách EU hoàn trả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục