Pháp thiếu nhân lực chăm sóc y tế trầm trọng thời kỳ hậu khủng hoảng

11:16' - 17/10/2021
BNEWS Tại các cơ sở y tế khắp nước Pháp, làn sóng dịch bệnh thứ 4 có thể đã vào dĩ vãng khi số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm rõ rệt, nhưng tín hiệu cảnh báo khó khăn khác lại xuất hiện trong những tuần qua.

Đó là tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc y tế trầm trọng thời kỳ hậu khủng hoảng. Ngay cả các bệnh viện lớn, vốn rất hấp dẫn về việc làm, cũng vấp phải vấn đề nhân sự chưa từng có, đặc biệt sau kỳ nghỉ Hè 2021.

Chịu nhiều áp lực nhất có lẽ là vùng thủ đô Ile-de-France, nơi từ lâu đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cho các ngành nghề, và khủng hoảng COVID-19 càng khiến hoạt động này trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với ngành chăm sóc y tế, do chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ. Ở các bệnh viện công lẫn tư, các khoa nhi, thần kinh, ung thư, tâm thần, hoặc thậm chí cả lão khoa đều thiếu y tá trầm trọng.

Tại cơ sở y tế công AP-HP (Trung tâm bệnh viện đại học vùng thủ đô), theo số liệu tổng hợp vào đầu tháng 9/2021, số y tá phục vụ hiện ít hơn 520 người so với một năm trước. AP-HP đã có những đợt tuyển gấp nhân sự trong tháng 9 nhưng vẫn không thể lấp đầy 820 vị trí còn trống.

Kết quả là hàng loạt dịch vụ chăm sóc bị ảnh hưởng, 18% số giường phải “đóng cửa” sau kỳ nghỉ Hè. Đặc biệt đối với ca đêm, chỉ cần thiếu một vài nhân sự là phải bỏ trống rất nhiều giường bệnh.

Olivier Milleron, bác sĩ tim mạch tại bệnh viện Bichat, cho biết “có rất nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc, nhưng không có triển vọng cải thiện” do một số vị trí trong khoa của ông không thể tuyển được người. Tình trạng cũng bi quan tương tự ở khoa thần kinh, nơi không thể đón nhận thêm bệnh nhân. Thậm chí khoa tim mạch của ông phải nhận giúp một số bệnh nhân cấp cứu từ khoa thần kinh.

Cách đó vài cây số, tại Viện tương tế Montsouris vốn rất “khá giả” ở Paris thời kỳ chưa có dịch bệnh, có tới một nửa số giường nội khoa không nhận bệnh nhân kể từ sau kỳ nghỉ, làm ảnh hưởng tới 30% năng lực của bệnh viện. Các khoa phẫu thuật chính là nơi chịu nhiều áp lực nhất sau những tháng dài đóng cửa hoặc cầm chừng vì đại dịch.

Giáo sư Jean-Luc Jouve, người đứng đầu AP-HM (Trung tâm bệnh viện đại học Marseille), cho biết: “Chúng tôi vẫn còn nhiều phòng mổ phải đóng cửa, chẳng hạn như 2 trong số 7 phòng của khoa nhi. Đây là điều rất tồi tệ so với bình thường, lý do chỉ vì thiếu người chăm sóc bệnh nhân. AP-HM hiện vẫn phải chăm sóc khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19”.

Alain Ruffion, bác sĩ tiết niệu tại bệnh viện Lyon-Sud, kết luận: “Các bệnh viện còn rất lâu mới có thể trở lại hoạt động bình thường”.

Ông cho biết trong phẫu thuật chức năng, đối với những bệnh nhân không phải cấp cứu, chẳng hạn như những người mắc chứng tiểu không tự chủ, ông có thể khuyên họ chờ… từ một đến một năm rưỡi để được phẫu thuật.

Ông nói: “Rất khó để khuyên bệnh nhân đi tìm một chỗ khác, bởi đó là một sự đánh đố chưa từng thấy. Nếu không có giải pháp ngắn hạn, hệ thống y tế Pháp sẽ hụt hơi”.

Quả thực, một “làn sóng rời bỏ công việc” của các y tá và điều dưỡng viên trong suốt mùa Hè vừa qua đã xảy ra, đặc biệt những tuần gần đây. Theo Nghiệp đoàn nghề nghiệp y tá quốc gia Pháp (SNPI), rất nhiều người trong số bỏ việc này đã gia nhập thị trường tự do, thay đổi nghề nghiệp hoặc đơn giản là tạm nghỉ việc, nhất là số người trẻ tuổi...

Một vòng luẩn quẩn tiếp tục diễn ra: hàng loạt người bỏ việc, các bệnh viện tổ chức tái cơ cấu, tiết kiệm và đóng cửa giường bệnh..., dẫn đến khối lượng công việc của nhân viên ở lại ngày càng tăng, tỷ lệ y tá/bệnh nhân ngày càng giảm, và cuối cùng có thể là làn sóng bỏ việc mới.

Sabine Valera, y tá hồi sức tại Bệnh viện North ở Marseille, cho biết: “Chúng tôi đã phải chứng kiến sự ra đi của các trụ cột, đó là những nhân viên hồi sức có thâm niên. Việc liên tục đào tạo các đồng nghiệp mới quả thực vô cùng mệt mỏi và chán nản”.

Đồng nghiệp của bà, Sousada Sundara, 47 tuổi, là một trong những “trụ cột” đã thông báo bỏ việc nhưng không biết sau đó sẽ làm gì tiếp theo. Bà cho biết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, gia đình túng quẫn, bệnh nhân COVID-19 phức tạp và ngày càng trẻ, thậm chí tiến gần đến độ tuổi của bà hơn…, khiến người y tá này “có cảm giác về một ngày tàn”.

Tuyển dụng khó khăn là quan sát được rất nhiều người chia sẻ. Mùa Hè 2020, khi nước Pháp phải căng mình chống đại dịch đang ở đỉnh điểm, chính phủ của Tổng thống Macron đã ban hành “Luật Ségur” (Ségur de la santé), cho phép tăng thêm 183 euro ròng vào lương tháng cho 1,5 triệu người làm nghề tại các cơ sở y tế, y tế-xã hội và viện dưỡng lão. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của kế hoạch này đã không đạt được như kỳ vọng.

Mặc dù các bệnh viện đã rất chủ động trong công tác tuyển dụng và rất có thiện chí với các ứng cử viên, thậm chí có nơi còn có chính sách tiền thưởng đối với các cam kết làm việc lâu dài, nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Hiện có một mối quan ngại thực sự đối với công tác tuyển dụng nhân viên chăm sóc y tế trên khắp cả nước Pháp.

Theo số liệu của Cục nghiên cứu, đánh giá và thống kê Pháp, ở quy mô ngành nghề toàn lãnh thổ, cả nước Pháp có tổng số 764.260 y tá tính ở thời điểm đầu năm 2021, trong đó 2/3 làm việc tại các cơ sở y tế, và số sinh viên tốt nghiệp xấp xỉ 25.000 người/năm.

Số liệu này có nhiều thay đổi khi khủng hoảng đại dịch kéo dài. Mathilde Padilla, một người làm việc tại Liên đoàn sinh viên chăm sóc y tế quốc gia Pháp, cho biết: “Chúng tôi không có số liệu để xác định tỷ lệ bỏ học trong quá trình học tập hoặc bồi dưỡng là bao nhiêu. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều rằng đã có sự kiệt sức chung của các sinh viên được huy động tối đa trong cuộc khủng hoảng”.

Bên cạnh đó, một xu hướng được thấy trong vài năm qua là môi trường và điều kiện làm việc trong bệnh viện, nhất là khu vực công, ngày càng kém hấp dẫn hơn trong khi người lao động ngày càng thích môi trường tự do hơn.

  Các bậc thâm niên trong nghề đang rất ái ngại cho thế hệ trẻ, khi những người vừa mới tốt nghiệp đã rất muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn tại nơi làm việc, nhưng cũng không muốn bị ràng buộc lâu dài với bệnh viện công.

Để hy vọng vào một thế hệ tốt nghiệp đông đảo hơn, có lẽ các bệnh viện Pháp phải đợi thêm vài năm. Năm 2019, các trường đào tạo y tá tại Pháp đã bỏ kỳ thi đầu vào và tuyển sinh qua hồ sơ, kéo theo đó là sự bùng nổ thí sinh đăng ký cho các khóa học 3 năm.

Mùa Hè 2020, 320 cơ sở đào tạo y tá trên cả nước được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tất cả như muốn góp phần bù lấp cho sự thiếu hụt trầm trọng các vị trí việc làm tại các cơ sở y tế và xã hội hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục