Phát động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023

17:27' - 18/08/2022
BNEWS Các công trình và tác phẩm phải đáp ứng các tiêu chí chung như: ý tưởng thiết kế mới, sáng tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại; chú trọng tính bản sắc, bản địa và nhân văn; khuyến khích kiến trúc xanh.

Chiều 18/8, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng các bộ, ngành đã tổ chức họp báo phát động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2022-2023.

Đây là giải thưởng chính thống cao nhất, có uy tín lâu đời nhất về Kiến trúc tại Việt Nam và được nhà nước Việt Nam công nhận là cơ sở để xét tặng các Giải thưởng quốc gia cao quý khác bao gồm: Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như các giải thưởng quốc tế về thành tựu kiến trúc...

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 25-TTg ngày 19/1/1993 và giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. 

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia hướng đến các mục tiêu chính là thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc, góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc. 

Theo chia sẻ của TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, giải thưởng được tổ chức xét chọn, trao giải 2 năm/lần, với các thể loại công trình, tác phẩm liên quan kiến trúc nhà ở, kiến trúc công cộng như công trình thương mại và dịch vụ hỗn hợp, công trình nghỉ dưỡng, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình văn hóa xã hội, các công trình kiến trúc công nghiệp...

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng sẽ xét chọn các giải thưởng về kiến trúc nội - ngoại thất, kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng các khu chức năng...; các tác phẩm nghiên cứu - lý luận - phê bình kiến trúc. 

Ban tổ chức giải cho biết, các tác phẩm tham dự nộp hồ sơ trước ngày 30/11/2022, gửi tới Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Các công trình và tác phẩm chưa từng tham dự Giải thưởng kiến trúc quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí chung như: ý tưởng thiết kế mới, sáng tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại; chú trọng tính bản sắc, bản địa, có ý nghĩa văn hóa, xã hội và nhân văn; khuyến khích sáng tạo theo tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam và các tiêu chuẩn kiến trúc xanh thế giới đang áp dụng. Ngoài ra, cũng khuyến khích các tác phẩm có tính lan tỏa cộng đồng, góp phần định hướng kiến trúc một cách tích cực. 

Các tác phẩm đạt Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 sẽ được trao cúp, bằng chứng nhận và phần thưởng khích lệ; đồng thời các tác phẩm đạt giải cao sẽ được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề cử lên cấp có thẩm quyền để xét trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, được công bố, giới thiệu trong sách Giải thưởng Kiến trúc quốc gia cũng như các phương tiện truyền thông của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. 

Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, giải thưởng kiến trúc sẽ bao gồm cả thể loại quy hoạch, vì tiêu chí giải thưởng từ khi Thủ tướng Chính phủ hành lập năm 1993, các hạng mục xét giải vẫn ổn định. Cùng đó, thực tế quy hoạch vẫn là nền tảng của kiến trúc, có liên quan rất lớn đến không gian đô thị, xây dựng... 

Bên cạnh đó, dự kiến với lượng tác phẩm dự kiến tham gia đông đảo, việc lựa chọn công trình thực sự xuất sắc, đảm bảo tiêu chí xanh sẽ khó khăn hơn, nhất là các công trình cao tầng. Bởi hiện nay, các tiêu chí về công trình xanh vẫn chưa thực sự cụ thể...

Trong giải thưởng năm 2020-2021 vừa qua, Ban tổ chức nhận được 214 tác phẩm kiến trúc tham gia, tăng hơn kỳ trước 30%, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Thống kê trong hơn 20 năm qua, đã có hơn 2.100 tác phẩm tham dự giải; trong đó, Ban tổ chức đã trao 21 giải thương vàng, 103 bạc, nhiều giải chuyên đề, giải cho kiến trúc sư trẻ kèm theo.../. 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục