Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021

14:40' - 28/04/2021
BNEWS Năm 2021 là năm thứ hai Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động được đồng thời phát động nhằm giúp cho hoạt động được gắn kết, hướng tới hiệu quả thiết thực.

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2021), phát động Tháng Công nhân và phối hợp Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 phát động Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta rất thấu hiểu những khó khăn vất vả mà người mọi người công nhân nói riêng và người lao động nói chung đã và đang trải qua trong bối cảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới đang đấu tranh phòng, chống dịch COVID-19, mất việc làm, thu nhập, giảm sút các chế độ phúc lợi bị cắt giảm, đặc biệt cuộc sống của những người lao động ở khu vực phi chính thức sẽ còn khó khăn hơn".

Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, hoàn thành mục tiêu kép để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ tạo ra không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa rồi mà còn tạo ra sức bật lò xo cho sự phát triển tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Bên cạnh nhiều biện pháp quan trọng được đưa ra, Ban chỉ đạo Tháng hành động về vệ sinh an toàn lao động phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát động đồng thời Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động triển khai sâu rộng trên mọi cấp, mọi ngành là cách làm phù hợp tạo sức mạnh cộng hưởng, động lực kiểm soát nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn vệ sinh viên là rất phù hợp trong bối cảnh chúng ta đang tích cực phòng chống dịch.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Tổ chức Công đoàn cần sớm xây dựng chương trình hành động của Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đảm bảo khoa học cụ thể, khả thi. Trong đó, tập trung lựa chọn các nội dung liên quan trực tiếp đến lao động, công đoàn, phát huy vai trò nòng cốt tiên phong của giai cấp công nhân và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động cả nước. Cùng với đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động hướng đến thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ôn lại truyền thống của giai cấp công nhân, trong đó có đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam và ý nghĩa  của Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2021 là năm thứ 10 triển khai “Tháng Công nhân” theo kết luận của Ban bí thư Trung ương Đảng với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” gắn với việc triển khai thực hiện  Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Tại buổi lễ, thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chính thức phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về An toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết của các cấp ủy; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chủ động và tăng cường sự tham gia của người lao động, mỗi người lao động cần nhận thức rõ an toàn lao động là vì mình, vì mọi người; lực lượng an toàn, vệ sinh viên cần tăng cường kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nhất là trong điều kiện thường xuyên phòng, chống dịch COVID-19.

Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hoàn thiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đến các đối tượng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Thực hiện Chỉ thị số 29 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và 5 năm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động, hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động từng bước được cải thiện, tần suất tai nạn lao động đã giảm trong khu vực có quan hệ lao động, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã dần được loại trừ ở một số ngành có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ dẫn tới tình trạng một bộ phận người lao động chưa được đào tạo kịp thời, thiếu tác phong công nghiệp. Việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp và bản thân người lao động vẫn còn yếu, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do vậy, tình trạng cháy, nổ, đổ sập các công trình xây dựng còn diễn biến phức tạp; hàng năm vẫn còn hàng vạn người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó có gần 1.000 người chết, gần 2.000 người bị thương tích nặng do tai nạn lao động.

“Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, đi đôi với phát triển kinh tế, tăng cường sản xuất, chúng ta cần đặc biệt quan tâm yếu tố con người, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và đời sống xã hội, bảo vệ môi trường gắn với quá trình phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Năm 2021 là năm thứ hai Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động được đồng thời phát động nhằm tăng cường nguồn lực, sức mạnh, giúp cho hoạt động của Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động được gắn kết, hướng tới hiệu quả thiết thực.

Trong tháng hành động, sẽ có các hoạt động như thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra  tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục