Phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

19:30' - 09/12/2024
BNEWS Công viên Ðịa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 8 huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn.

Tháng 9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn đã được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là tiền đề quan trọng để Lạng Sơn phát huy các giá trị của Công viên địa chất để triển du lịch, thu hút khách tham quan...

Những giá trị cốt lõi

Công viên Ðịa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 8 huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn với tổng diện tích 4.842,58 km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh. Công viên địa chất Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập từ năm 2021.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vùng Công viên địa chất Lạng Sơn chủ yếu được hình thành khoảng 500 triệu năm trước đến nay, được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn. Công viên địa chất Lạng Sơn được tạo thành từ 3 đới cấu trúc chính là: Khối đá vôi Bắc Sơn phân bố tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, một phần thành phố Lạng Sơn và một phần huyện Cao Lộc; Võng chồng sông Hiến tại một phần các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc; Võng chồng An Châu tại các huyện: Lộc Bình và một phần các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng. Ngoài ra còn những vùng bồn địa được hình thành trong quá trình dịch trượt bằng dọc theo đới đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên và tích tụ trầm tích như trũng Na Dương, khu vực thành phố Lạng Sơn... 

 

Công viên địa chất Lạng Sơn mang trong mình dòng chảy tiến hóa của lịch sử phát triển địa chất đầy đủ, liên tục và xuyên suốt. Hàng loạt hóa thạch và phong phú phân vị địa chất có nguồn gốc, độ tuổi khác nhau, thể hiện trên các tầng đá lục nguyên, đá núi lửa, đá cacbonat và đá biến chất được tìm thấy, trong đó có nhiều giống loài cổ sinh vật lần đầu tiên được tìm thấy tại Lạng Sơn như: Địa điểm Ký ức biển từ kỷ Cambri khoảng 500 triệu năm tại xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn; Phong phú hóa thạch kỷ Devon khoảng 420 triệu năm tại điểm sự sống cổ dưới đại dương xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng; Các hóa thạch kỷ Carboniferous, Permi hay Trias có tuổi từ 360 đến 220 triệu năm tại điểm Đại dương cổ yên bình, Homestay Sơn Thủy, Thế giới Cúc đá, Thác Bản Khiếng... 

Tiêu biểu nhất là phức hệ hóa thạch phát hiện tại trũng Na Dương, đây được xác định là kết quả của quá trình hoạt động trượt bằng kéo tách ủa đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên, được hình thành cách ngày nay khoảng 40 triệu năm. Tại đây, quá trình khai thác than đã phát hiện phức hệ hóa thạch động thực vật khổng lồ rất phong phú và đa dạng: tê giác, thú than, linh trưởng, cá sấu, rùa, kỳ đà, các loài cá, nhuyễn thể trai ốc và dày đặc hóa thạch thực vật... tiêu biểu cho sự sống trong môi trường hệ sinh thái sông hồ - đầm lầy - rừng nhiệt đới vùng Đông Nam Á. Trong số các điểm di sản địa chất vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, địa điểm này được cho là có giá trị khoa học tầm cỡ toàn cầu. 

Trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, khối đá vôi có diện tích khoảng 1.200 đến 1.500 km2. Quá trình karst hóa đã làm bào mòn, thẩm thấu, chia cắt tạo nên các dòng chảy, các hố sụt ngầm trong khối đá tạo nên các hang động. Hệ thống hang động đồ sộ có mật độ dày đặc trong khối núi đá vôi Bắc Sơn, khảo sát bước đầu đã xác định được khoảng 170 hang động được bảo tồn tốt, có giá trị khai thác du lịch. Nhiều địa điểm hang động hiện nay đã chứng minh cho dòng chảy ngầm rất mạnh trong quá khứ như các hang Phố tại huyện Bình Gia, động Tam Thanh-Nhị Thanh tại thành phố Lạng Sơn.

Đặc biệt, trong hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai và nhiều hang động khác trong khối đá vôi Bắc Sơn đã phát hiện hóa thạch của người đứng thẳng có niên đại khoảng 500.000 năm trước, cho thấy khu vực này đã là một trong những cái nôi sớm nhất của con người cổ đại ở Việt Nam. Sự sống phát triển liên tục sau đó, trở thành nơi ra đời của các nền văn hóa khảo cổ Bắc Sơn và Mai Pha nổi tiếng trong khảo cổ học Việt Nam. Hệ thống hang động khảo cổ này có tầm quan trọng quốc tế, thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa quá trình kiến tạo địa chất, điều kiện môi trường thiên nhiên và đời sống con người đã có từ rất lâu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn...

Hướng đến phát triển bền vững

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết, để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hướng đến xây dựng Công viên địa chất là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ trong nước và quốc tế cho việc xây dựng, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; tăng cường giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất tỉnh thông qua các hoạt động đối ngoại, các kênh ngoại giao và công tác thông tin đối ngoại. 

Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã tích cực, chủ động tham gia hơn 50 hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam như: Chương trình đào tạo trực tuyến của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và phát triển bền vững”; Diễn đàn trực tuyến do Mạng lưới Công viên địa chất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức; Hội nghị quốc tế về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO…    

Cùng đó, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn còn tham gia các hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam và định kỳ họp trao đổi chuyên môn với mạng lưới Công viên địa chất trong nước và quốc tế; tổ chức làm việc trực tuyến với một số đối tác nước ngoài như: Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế, Chính quyền tỉnh Gangwon, Hàn Quốc; Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Quần đảo Oki… Qua đó học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển Công viên địa chất đồng thời giới thiệu, quảng bá, xúc tiến hợp tác, thu hút nguồn vốn phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn. Năm 2024, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp với UBND các huyện và các đối tác triển khai hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan, nâng cao nhận thức cộng đồng, quảng bá và xúc tiến du lịch.

Tiến sĩ Kristin Rangnes, chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa UNESCO khuyến nghị, UBND tỉnh Lạng Sơn và cộng đồng vùng Công viên địa chất Lạng Sơn cần xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn trong mối liên kết với các Công viên địa chất khác ở khu vực phía Bắc của Việt Nam để hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển; xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng song mang đậm màu sắc, bản sắc riêng có của mỗi địa phương, có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững của sự phát triển...

Nhằm khai thác những lợi thế về di sản địa chất, văn hoá độc đáo phục vụ công tác phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng và phát huy giá trị di sản vùng Công viên địa chất, xây dựng 4 tuyến du lịch mang chủ đề “Khám phá thế giới thượng ngàn”, “Hành trình về miền thiên giới”, “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”, “Khám phá thủy cung” với 38 điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo..

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục