Phạt nguội đến 1,2 triệu đồng phương tiện tạt đầu, cướp làn xe buýt nhanh

20:41' - 05/01/2017
BNEWS Phòng CSGT Hà Nội cho biết sẽ tiến hành “phạt nguội” các phương tiện cố tình lấn làn, cướp đường xe buýt nhanh qua camera giám sát đặt tại các nhà chờ xe buýt nhanh.
Phạt nguội đến 1,2 triệu đồng phương tiện tạt đầu, cướp làn xe buýt nhanh. Ảnh: Tiến Hiếu/TTXVN

Theo đó, từ ngày 31/12/2016, xe buýt nhanh BRT Hà Nội chính thức hoạt động, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt các phương tiện vi phạm.

Dọc tuyến xe buýt nhanh, lực lượng chức năng gắn nhiều biển cảnh báo về mức phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, các phương tiện đi vào làn của xe buýt nhanh BRT sẽ phạm lỗi “đi không đúng phần đường, làn đường quy định”. Người điều khiển ô tô chạy sai làn sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng; mức phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) là từ 300.000 - 400.000 đồng.

Ngoài ra, xe ô tô cố tình đi vào làn dành riêng cho xe buýt nhanh BRT bị tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Theo Trung tá Chu Văn Sỹ, Đội Phó Đội CSGT Số 3 phụ trách tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ (Đống Đa), đáng nhẽ từ 31/12/2016 sẽ bắt đầu xử phạt. Tuy nhiên, thời gian đầu, lực lượng chức năng mới nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn, vì nhiều người dân còn bỡ ngỡ, đi lấn làn, nên chưa xử phạt, chỉ xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm. Sau đó sẽ có đánh giá, đề xuất, điều chỉnh các hình thức xử phạt phù hợp.

Việc làm này nhằm tạo thói quen, tác động vào ý thức người tham gia giao thông. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành dù đã có CSGT hướng dẫn, phân luồng, lực lượng CSGT sẽ lập biên bản xử lý.

Anh Trần Long, lái xe ô tô 29A 9667 cho biết: “Đồng tình với việc xử phạt các phương tiện cố tình vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt cần xử lý đúng người, đúng lỗi, đúng hình ảnh và minh bạch; đồng thời làm thường xuyên, để nâng cao ý thức tự giác cho người tham gia giao thông. Lâu dần sẽ trở thành thói quen như người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Khi đó, buýt nhanh mới hiệu quả...”.

Dọc tuyến đường xe buýt nhanh lưu thông, lực lượng chức năng bố trí nhiều cán bộ chốt trực, tổ chức phân làn, hướng dẫn các phương tiện lưu thông đúng phần đường, không lấn làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và Công an địa bàn tuyến xe buýt nhanh đi qua được huy động, sẵn sàng xử lý các sự cố, xung đột giao thông trên tuyến xe buýt nhanh.

Khi xảy ra ùn tắc giao thông, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.

Theo phương án tổ chức làn đường xe buýt nhanh hoạt động, taxi và xe tải không được đi dọc tuyến xe buýt nhanh trong giờ cao điểm sáng từ 6 – 9 giờ, chiều từ 16 giờ 30 phút – 19 giờ 30 phút. Xe taxi xe ô tô chở hàng từ 500 kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng không được hoạt động trong giờ cao điểm sáng từ 6 – 9 giờ; chiều từ 16 giờ 30 phút – 19 giờ 30 phút trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ  Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu – Vạn Phúc).

Xe taxi cũng bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm trên tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương. Các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố, xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật được hoạt động bình thường.

Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng trên hành lang xe buýt nhanh BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Theo quy định mới, mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ không được đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm. Xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500 kg trở lên sẽ bị cấm hoàn toàn lưu thông trên 2 cầu vượt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục