Phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm giảm 17% với giải pháp canh tác mới

10:21' - 04/11/2023
BNEWS Lượng phát thải khí nhà kính giảm 17% từ các ao nuôi tôm quảng canh và giảm gần 11% đối với các ao nuôi thâm canh khi người nông dân áp dụng các cách thức canh tác mới.

Đó là kết quả được công bố tại Hội thảo "Giảm phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản" do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức, diễn ra mới đây tại thành phố Cần Thơ.

 

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là người nuôi tôm, đại diện cơ quan quản lý về nuôi trồng thủy sản của 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các trường đại học trong khu vực.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ), đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả đo lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho thấy mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh.

Trong khi mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi là những yếu tố chính quyết định đến lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm quảng canh thì trong mô hình nuôi tôm thâm canh, điện và thức ăn là hai nguồn phát thải chính, trong đó lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải.

Với kết quả này, các giải pháp giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm tập trung vào giảm lượng điện tiêu thụ, thay thế điện từ năng lượng hóa thạch bằng tái tạo, xử lý chất thải của tôm bằng ủ khí sinh học, tối ưu hóa lượng thức ăn cho tôm và thay đổi cách thức cho ăn (đối với mô hình nuôi tôm thâm canh), và thay đổi mật độ thả tôm, cải thiện hệ thống xử lý nước để tránh dịch bệnh cho tôm giúp giảm tỷ lệ tôm chết (đối với mô hình nuôi tôm quảng canh).

Sau 9 tháng áp dụng kết hợp các biện pháp này, lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm đã giảm 16,9% đối với mô hình nuôi tôm quảng canh, và giảm 10,8% đối với mô hình nuôi tôm thâm canh.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, với diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm thu hoạch hàng năm lớn nhất nhì cả nước, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam. Trong những năm gần đây việc nhanh chóng mở rộng diện tích nuôi tôm ở quy mô thâm canh, siêu thâm canh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường.

Trong khi đó, chưa có nhiều mô hình mẫu về nuôi tôm bền vững, ít phát thải. Việc đo lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm, từ đó xác định được các nguồn phát thải chính và đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, giúp giảm lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản là một mô hình hay của dự án và cần được nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Chị Nguyễn Thị Hạt, nông dân nuôi tôm ở ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, giá vật tư, thuốc thú ý thủy sản liên tục tăng cao trong khi giá tôm ở mức thấp đã khiến người nuôi gặp khó khăn. Tham gia mô hình nuôi tôm giảm phát thải, chị được hỗ trợ các kỹ thuật nuôi tuần hoàn khép kín hai giai đoạn, trọng tâm là sử dụng ao vèo; quản lý thức ăn, con giống trong quá trình nuôi, lắp đặt biogas trong ao nuôi tôm, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Nhờ đó,tiền điện hàng tháng giảm khoảng 200.000 đồng, đồng thời năng suất tôm nuôi cũng tăng do quản lý được sự phát triển ngay từ lúc mới thả giống.

Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đóng góp 70% sản lượng thủy sản của cả nước, trong đó 60% lượng tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản của vùng đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu như nhiệt độ không khí và mặt nước gia tăng, mực nước biển dâng, sự thay đổi độ mặn do thay đổi lượng mưa...

Trong đó, nghiên cứu phát thải khí nhà kính từ ao nuôi thủy sản cũng là vấn đề cần quan tâm để từ đó đề xuất biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản, giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải và đảm bảo sự bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thực hiện các cam kết Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và người nuôi tôm đã thảo luận các giải pháp nhân rộng mô hình nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhấn mạnh việc ban hành tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ thuật cho người nuôi tôm và môi trường chính sách thuận lợi là những giải pháp quan trọng.

Giám sát phát thải khí nhà kính trong ao nuôi tôm là hoạt động thuộc Dự án "Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long" (B3) do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đồng tài trợ, Ban quản lý chương trình hỗ trợ phát triển huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu triển khai từ năm 2021-2023. Giảm lượng khí nhà kính phát thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản là một trong ba mục tiêu quan trọng của dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục