Kiểm kê khí thải nhà kính: Quyền lợi hay nghĩa vụ của doanh nghiệp?

06:00' - 03/10/2023
BNEWS Chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Từ đầu năm 2023, khoảng 1.920 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải.

Doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính, hiện trạng phát thải khí nhà kính. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đây là yêu cầu mới, lần đầu được triển khai tại Việt Nam, chính vì vậy các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi thực hiện. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang gặp khó trong quá trình chuyển dịch năng lượng một cách công bằng về huy động nguồn kinh phí, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách, khả năng tiếp cận công nghệ…

Để bàn về những vướng mắc của doanh nghiệp và các giải pháp thúc đẩy hiệu quả giảm phát thải nhà kính, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

BNEWS: Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2023 hàng nghìn doanh nghiệp phải kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Ông có thể nói rõ hơn về quá trình thực hiện này của các doanh nghiệp?

TS Nguyễn Phương Nam: Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính, hiện trạng phát thải khí nhà kính.

Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Trong trường hợp doanh nghiệp không kiểm kê được có thể gửi số liệu để cán bộ quản lý chuyên ngành có thể hỗ trợ thực hiện những năm đầu tiên.

Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp. Do đó, từ năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn có những hướng dẫn chi tiết hơn về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đạt hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

BNEWS: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khu vực doanh nghiệp trong chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính để Việt Nam có thể chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0?

TS Nguyễn Phương Nam: Như các quốc gia trên thế giới, không một nước nào có thể giảm phát thải khí nhà kính nếu không có sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp. Vì khu vực doanh nghiệp là đơn vị sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bản thân các doanh nghiệp phải có sự chuyển dịch xanh để hướng tới sử dụng các công nghệ ít phát thải cacbon cũng như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí.

Tuy nhiên, đây là quá trình chuyển đổi lâu dài bởi mỗi quy trình sản xuất doanh nghiệp đều đã được thiết lập cố định nên việc chuyển đổi cần thời gian, lộ trình.

Vì vậy, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cân đối phân bổ các hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nguồn huy động tài chính xanh và hỗ trợ từ quốc tế.

 

BNEWS: Trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

TS Nguyễn Phương Nam: Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là hướng dẫn kỹ thuật để có thể tuân thủ thực hiện.

Hiện nay, theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ  tầng ô-dôn, các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng thông tư hướng dẫn kỹ thuật, quy trình tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính. Đến nay, mới có Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm kê phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải.

Còn trong các lĩnh vực khác đặc biệt quan trọng phải kể đến như năng lượng của ngành công thương hiện vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật. Do đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là chưa biết sử dụng hướng dẫn kỹ thuật nào để tuân thủ.

Về phía doanh nghiệp, hiện có nhiều nhu cầu nâng cao năng lực tiếp cận những hướng dẫn kỹ thuật và mang tính xu thế của thời đại. Thực trạng ở Việt Nam là các dự án phát triển cũng mới chỉ hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước hoặc những đơn vị phi lợi nhuận.

Trong khi đó, sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp hiện ở mức không đáng kể từ các cơ quan phát triển quốc tế ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức phát triển cần có kế hoạch hỗ trợ, nâng cao năng lực làm báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho chính doanh nghiệp.

BNEWS: Theo ông, hiện Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý gì liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí kính để hướng đến mục tiêu Net Zero, nhất là các cơ chế chính sách để giúp doanh nghiệp chuyển đổi và thích ứng?

TS Nguyễn Phương Nam: Việt Nam hiện đã có nhiều quy định chặt chẽ và đột phá trong các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp cao nhất như luật hoặc nghị định, song việc hướng dẫn thực thi tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo tôi, Việt Nam cần thực hiện song song việc hướng dẫn các văn bản thi hành cũng như nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để doanh nghiệp nhận thức được việc kiểm kê khí nhà kính là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp.

Song về dài hạn, đây là quyền lợi cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh, đầu tư xanh để tự bản thân doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh, hướng tới sản xuất bền vững hơn, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế và hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn so với các nước trên thế giới.

Đây là những vấn đề cần cơ quan quản lý nhà nước phải có những chính sách khuyến khích dành cho doanh nghiệp. Những chính sách này không chỉ đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà còn cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành khác như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

BNEWS: Ngoài vấn đề về cơ chế chính sách, theo ông bản thân các doanh nghiệp cần có giải pháp gì để đẩy nhanh hơn trong tiến trình giảm phát thải nhà kính?

TS Nguyễn Phương Nam: Trong khi chờ các hướng dẫn chi tiết từ bộ, ngành quản lý chuyên ngành về kỹ thuật kiểm kê phát thải khí nhà kính, quy trình thực hiện thẩm định kết quả phát thải khí nhà kính hay thẩm định kết quả giảm phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu những nguyên tắc chung, cách giảm phát thải khí nhà kính để có thể tự thực hiện.

Chẳng hạn như doanh nghiệp có thể chủ động trong tiết kiệm năng lượng, thay thế sử dụng năng lượng truyền thống bằng năng lượng tái tạo, hay sử dụng năng lượng xanh....

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục