Phát triển Bắc Ninh sau hợp nhất thành cực tăng trưởng kinh tế miền Bắc

15:29' - 12/05/2025
BNEWS Bắc Ninh phối hợp với Bắc Giang xây dựng định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh (mới) sau sáp nhập là cực tăng trưởng kinh tế miền Bắc và cả nước với nền công nghiệp - dịch vụ phát triển xanh, hiện đại.

Ngày 12/5, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án. Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nghị quyết 57-NQ/TW của Chính phủ Nguyễn Chí Dũng.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh đã tiên phong đi đầu trong thực hiện tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, nhanh chóng đưa vào cuộc sống; chủ động ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận công nghệ mới, ứng dụng chuyển đổi số và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế tư nhân trong phát triển khoa học công nghệ với vị thế là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước, để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tiềm lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW, bố trí nguồn lực, xây dựng cơ chế đặc thù, hình thành các chuỗi liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp FDI, có sự dẫn dắt của doanh nghiệp lớn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, Bắc Ninh phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh (mới) sau khi sáp nhập là cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc và cả nước với nền công nghiệp - dịch vụ phát triển xanh, sạch, hiện đại dựa trên nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối liên tỉnh, liên vùng và quốc tế thông qua việc tận dụng các lợi thế dư địa phát triển đặc biệt là từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình và hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch.

Bắc Ninh cũng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ số, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, nông nghiệp trên nền tảng của đột phát về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trên cơ sở cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách của Trung ương như chính sách ưu đãi về thuế, quỹ đất, xây dựng khu, cụm công nghiệp chuyên biệt, khu công nghiệp xanh, thông minh…

Phó Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tiếp tục phát huy bản lĩnh với khát vọng dân tộc, tự hào Việt Nam, mạnh dạn đầu tư có chiều sâu, chuyển đổi công nghệ, tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, nông nghiệp cao. Đồng thời, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với đạo đức và trách nhiệm xã hội, chủ động liên kết trong và ngoài nước; tiên phong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước, Chính phủ nhất quán quan điểm phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia, cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuyến khích các địa phương; trong đó, có Bắc Ninh chủ động đề xuất cơ chế đặc thù nhằm tạo đột phá thực chất, hiệu quả, lâu dài cho khu vực kinh tế tư nhân và cho doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Chương trình gặp mặt doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng đang nỗ lực thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương về phát triển toàn diện đất nước; trong đó, có nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Nhất quán quan điểm doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ phải trở thành lực lượng chủ công trong đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng công nghệ cao, và trong kiến tạo giá trị bền vững, Bắc Ninh đã không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, bình đẳng và an toàn. Các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiếp cận tài chính, đào tạo nhân lực công nghệ cao đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không ngừng lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu - phát triển, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số, công nghệ sinh học, tự động hoá,… Điều này góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hoá sản xuất, tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế tri thức.

Lũy kế đến năm 2024, tỉnh Bắc Ninh có 24.877 doanh nghiệp. Tỷ lệ số doanh nghiệp trên số nghìn dân của tỉnh đạt 1,6% (tương đương 16 doanh nghiệp/1000 dân). Giai đoạn 2020-2024 số doanh nghiệp thành lập mới bình quân là 2.947 doanh nghiệp/năm. Trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng doanh nghiệp trung bình hàng năm khoảng 10-15%, phản ánh sự thu hút mạnh mẽ đầu tư và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh của tỉnh.

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 doanh nghiệp tiêu biểu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 856 triệu USD. Trong đó, có 3 nhà đầu tư trong nước đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 4.182 tỷ đồng (tương đương 167 triệu USD). Đồng thời, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD; cấp giấy chứng nhận đàu tư điều chỉnh tăng vốn đầu cho 2 doanh nghiệp với tổng số vốn tăng thêm hơn 639 triệu USD.

Tổng số vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm 2025 đến nay đạt 2,4 tỷ USD. Đây là những con số ấn tượng về thu hút đầu tư và Bắc Ninh tiếp tục khẳng định thương hiệu lý tưởng của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Dịp này, tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức Lễ ra mắt 5 Ban Liên lạc các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng một hệ sinh thái khoa học - công nghệ toàn diện, nơi các doanh nghiệp được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng nhau trong hành trình đổi mới và phát triển.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu đến thăm, làm việc với Công ty CP Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một thành viên của Công ty TNHH TMV Hanel chuyên sản xuất và lắp ráp bản mạch điện tử, sản xuất linh kiện gốm áp điện và chế tạo máy sấy lạnh thông minh.

Hiện nay, Công ty đang tập trung triển khai dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ sấy đa năng thông minh SASAKI, giúp tiết kiệm đến 70% năng lượng nhờ công nghệ sấy xanh, thân thiện môi trường, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục