Phát triển công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Long

18:49' - 11/08/2017
BNEWS Ngày 11/8, tỉnh Vĩnh Long đã công bố quy hoạch phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH BOHSING (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại khu công nghiệp Hoà Phú (Vĩnh Long). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như khai thác khoáng sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may-da giày; cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại và điện tử…

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư, phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có cơ hội và điều kiện phát triển để tạo nền tảng và gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao lợi thế cạnh tranh, từng bước đưa công nghiệp tỉnh phát triển theo hướng hiện đại.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 Vĩnh Long khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đẩy nhanh tăng trưởng ngành công nghiệp, tạo ra một số sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp. Tỉnh phấn đấu tốc độ giá trị sản xuất đạt mức tăng trưởng khoảng 13,75%/năm.

Tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng một số cụm công nghiệp ưu tiên, tạo điều kiện cần thiết và thuận lợi để đầu tư và phát triển công nghiệp. Mặt khác, tỉnh tiếp tục giảm dần và phát triển hợp lý ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản và tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hơn nữa, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm gắn với các vùng sản xuất tập trung; phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Riêng giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đưa ngành công nghiệp có vị trí và đóng góp xứng đáng trong công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng đó, tốc độ giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng từ 11-12%/năm.

Vì vậy, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu công, cụm công nghiệp; khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế địa phương để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Mặt khác, tỉnh sẽ sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Đối với quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp và phát triển nghề nông thôn, Vĩnh Long chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề mới. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt từ 5-6%/năm trong giai đoạn 2011-2020; nâng tỷ lệ lao động ngành nghề nông thôn chiếm từ 7,5-8% tổng số lao động xã hội; tạo việc làm ổn định cho khoảng 65.000 lao động nông thôn và tạo việc làm mới khoảng 15.000-17.000 lao động.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Long đã đề ra 8 nhóm giải pháp và 7 nhóm chính sách để tập trung thực hiện đồng bộ nhằm phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục