Phát triển công nghiệp trọng điểm chờ chính sách đột phát

16:28' - 26/01/2024
BNEWS Với khung pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển và đầu tư hơn.

Các ngành công nghiệp trọng điểm được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp đất nước phát triển, hướng tới đem lại thu nhập trung bình cao cho người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam hiện vẫn đang thiếu về hành lang pháp lý cũng như năng lực cạnh tranh.

Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho hay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 
Theo đó, với quan điểm, định hướng: Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ” và “ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù. Do vậy, thời điểm này thích hợp để cho ra đời dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.

Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ngành dự kiến được xác định trên cơ sở các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Cụ thể là, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học…

Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong vấn đề này. Hạn chế thứ nhất là chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này.

Tiếp theo, pháp luật hiện hành về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay: “Chúng tôi rất mong muốn có được hệ thống pháp lý, định hướng rõ ràng để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm; trong đó, có cơ khí, chế tạo, công nghệ cao, vật liệu… để doanh nghiệp có được hướng đi, theo đúng chủ trương về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp trọng điểm nói riêng”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cần những chính sách mang tính chất hỗ trợ chung, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ rõ ràng các quy định và chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng điểm.

“Với khung pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển và đầu tư hơn. Đặc biệt, nếu được xây dựng sớm, Luật này dự kiến cũng sẽ tạo thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận định.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm phát triển, Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm với 3 điểm chính, gồm: xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp.

Mục tiêu của chính sách nhằm khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian qua; làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, đòn bẩy; bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm.

Ngoài ra, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trọng điểm với mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy phát triển công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành. Từ đó, bảo đảm thống nhất với quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, của vùng và của tỉnh theo ngành, nghề, cụm ngành.

Cuối cùng là xây dựng chính sách phát triển bền vững trong công nghiệp. Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Ông Ngô Khải Hoàn cho rằng, mục tiêu của những chính sách trên nhằm khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh từ nội lực các ngành công nghiệp của đất nước, tạo đột phá thúc đẩy phát triển và hiện đại hóa nền công nghiệp quốc gia trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục