Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ

07:39' - 25/10/2022
BNEWS Bình Phước đang triển khai và tiếp tục đưa vào quy hoạch nhiều tuyến giao thông quan trọng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tận dụng sự lan tỏa phát triển vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước đang triển khai và tiếp tục đưa vào quy hoạch nhiều tuyến giao thông quan trọng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ. Ảnh minh họa: TTXVN

Trên toàn địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ gồm Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và Quốc lộ 14C với tổng chiều dài hơn 239 km.

UBND tỉnh Bình Phước nhận định, đây đều là những tuyến đường huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Bình Phước với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và kết nối quốc tế qua Campuchia. Đối với các tuyến tỉnh lộ, trên địa bàn hiện có 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiễu dài 544 km.

 

Theo UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện địa phương đang triển khai nâng cấp mở rộng nhiều tuyến giao thông kết nối liên vùng như: Quốc lộ 13 đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; nâng cấp, mở rộng ĐT.741 đoạn Bầu Trư – Phước Long; xây dựng đường giao thông phía Tây Quốc lộ 13, kết nối huyện Chơn Thành - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; nâng cấp, mở rộng ĐT.756, ĐT.751; xây dựng đường Đồng Phú– Bình Dương…

Mặc dù mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh còn kém phát triển, đây là một trong những thách thức lớn. Tuy nhiên với quỹ đất của Bình Phước còn dồi dào, đây cũng chính là cơ hội để quy hoạch và xây dựng một mạng lưới giao thông hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh – UBND tỉnh Bình Phước đánh giá.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt “Đề án phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng và nội tỉnh”. Theo UBND tỉnh Bình Phước, tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, mạnh của cả vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua dẫn đến quỹ đất của các tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ngày càng hạn hẹp, hạ tầng giao thông tắc nghẽn... Các doanh nghiệp dần chuyển hưởng đầu tư về các tỉnh khu vực vùng ven; trong đó có Bình Phước.

Bình Phước đặt mục tiêu ưu tiên hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục giao thông kết nối giữa 3 trung tâm để tạo động lực phát triển gồm: Thành phố Đồng Xoài - huyện Chơn Thành - huyện Đồng Phú; ba vùng đô thị có sức lan tỏa của tỉnh gồm: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.

Đến năm 2025, Bình Phước phấn đấu phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai thực hiện đầu tư các tuyến đường liên kết vùng quan trọng như: dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Đắk Nông – Chơn Thành, đoạn Chơn Thành – Đức Hòa (tỉnh Long An); tuyến ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); truyến đường phía Tây Quốc 13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư và kết nối với đường trục chính khu công nghiệp Bầu Bảng, tỉnh Bình Dương đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn; tuyến Đồng Phú – Bình Dương kết nối với tuyến Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đến đường vành đai 4.

Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục