Phát triển du lịch xanh: Bài 1: Giải pháp "hút" khách văn minh, chi tiêu cao

08:39' - 25/12/2019
BNEWS Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong phát triển du lịch xanh.
Hồ Kẻ Gỗ yên bình trong khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Nhu cầu đi du lịch của người dân trên thế giới ngày càng tăng cao. Xu hướng du lịch của du khách trên toàn cầu cũng đã có những thay đổi đáng kể.

Du khách có xu hướng chọn các loại hình thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng, du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp…

Các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng đã thực hiện  giải pháp phát triển du lịch xanh hướng tới phát triển bền vững. Đây được coi là xu hướng tất yếu của  phát triển du lịch trong tương lai.
Chùm 2 bài viết đăng phát vào 25 và 26/12 với chủ đề "Phát triển du lịch xanh", đề cập đến kinh nghiệm của quốc tế trong phát triển du lịch xanh và những bước đi cả du lịch nước ta để đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng xu hướng thế giới.
Bài 1:  Giải pháp "hút" khách văn minh, chi tiêu cao
Các chuyên gia nghiên cứu du lịch đã chỉ ra rằng, du lịch xanh trong những năm gần đây không chỉ là khái niệm mà đã trở thành xu hướng phát triển nhanh ở nhiều quốc gia.

Ngày càng nhiều du khách trên thế giới ủng hộ và lựa chọn du lịch xanh để góp phần vào việc bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng.

Ở Việt Nam, du lịch xanh không chỉ là giải pháp phát triển du lịch bền vững mà còn giúp gia tăng lượng khách chi tiêu cao, văn minh khi đi du lịch.
*Du khách ngày càng ủng hộ du lịch xanh

Hồ Kẻ Gỗ, công trình đại thủy nông nằm trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Kẻ Gỗ được đưa vào sử dụng ngày 26/3/1979. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa: Du lịch xanh bao gồm các hoạt động du lịch có thể được duy trì lâu dài hoặc được thực hiện bền vững trong xã hội, kinh tế, văn hóa và môi trường".
Nói một cách dễ hiểu thì du lịch xanh là loại hình du lịch góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các thuật ngữ "du lịch xanh", "du lịch thân thiện với môi trường", "du lịch không rác thải nhựa" ngày càng được nhiều du khách quan tâm, lựa chọn.
Theo Tiến sỹ Hoàng Hồng Hạnh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường): Từ năm 2016 tới nay, Booking.com đã tiến hành khảo sát du lịch bền vững. Kết quả cho thấy phần lớn du khách (87% năm 2018, 72% năm 2019) có nhu cầu về du lịch bền vững, 39% du khách khẳng định họ thường xuyên hoặc tìm cách để du lịch bền vững (2018).
Các xu hướng du lịch xanh và bền vững còn được thể hiện qua các thông tin như: Đa số du khách có ý định lưu trú ít nhất một lần tại cơ sở thân thiện với môi trường. Tỷ lệ này tăng qua các năm (62% năm 2016, 65% năm 2017, 68% năm 2018, 73% năm 2019).

70% du khách cho biết khả năng cao họ sẽ đặt phòng tại cơ sở lưu trú xanh (2019). 60% du khách muốn du lịch bền vững vì họ ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên trong các chuyến đi trước trước đây (2018); 52% du khách chuyển sang phương thức đi lại thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, đạp xe hoặc đi bộ đường dài khi có thể; 68% mong muốn chi tiêu du lịch của họ giúp ích cho cộng đồng địa phương (2019); 67% du khách sẵn sàng chi trả thêm ít nhất 5% cho chuyến du lịch của mình để hạn chế tác động môi trường khi có thể.
Ngoài ra, một số nghiên cứu tại châu Âu cũng cho thấy nhiều đối tượng khách đã có nhu cầu và xu hướng chọn khách sạn xanh dù giá dịch vụ có thể cao hơn so với khách sạn cùng hạng.
Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho thấy, khách du lịch đến Việt Nam đang có xu hướng chọn các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường.

Đó là xu hướng của khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khỏe, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên.
Tiến sỹ Đặng Quốc Việt, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng thông tin biết, nghiên cứu từ Tổ chức Trip Advisor cho thấy 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường; 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho đơn vị du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.

Điều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
*Kinh nghiệm từ quốc tế
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Hoàng Hồng Hạnh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường), hiện trên thế giới đã có rất nhiều nước thực hiện thành công các mô hình du lịch xanh.

Đây là những mô hình mà du lịch Việt Nam có thể học hỏi  và áp dụng khi thực hiện phát triển du lịch bền vững.

Để hướng tới du lịch xanh, các nước đã có chính sách và hành động cụ thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tham gia vào hoạt động đầu tư, phát triển du lịch xanh.
Maldives, một đảo quốc ở Ấn Độ Dương hiện đang đang nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời để giảm lượng khí thải carbon.

Hầu hết các resort trên đảo đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch.

Bộ Du lịch Maldives cấp chứng nhận nhãn "Travelife Gold" cho các resort. Các khu nghỉ dưỡng trên đảo phải đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải. Rác thải luôn được phân loại...
Costa Rica ở Nam Mỹ hiện có gần 93% điện năng là từ năng lượng tái tạo và khoảng 30% lãnh thổ quốc gia được bảo tồn.

Costa Rica đang trong quá trình tiến tới trở thành một quốc gia bền vững nhất thế giới với mục tiêu là quốc gia đầu tiên có lượng carbon trung tính vào năm 2020.

Tám khu nghỉ dưỡng siêu xanh ở các khu vực sinh thái đa dạng trên khắp Costa Rica và Nicaragua. Cuộc sống xanh được đan xen vào các hoạt động hàng ngày của du khách như lướt sóng, lặn, ngắm cảnh và đi bộ hòa mình với thiên nhiên...
Ngoài ra, Kenya cũng là điểm đến của du lịch xanh với nhiều cảnh quan đẹp và đa dạng sinh học cao.

Kenya đã đưa ra một số chương trình tự nguyện nhằm hỗ trợ và thể hiện những cam kết về du lịch bền vững.

Trong đó có Chương trình đánh giá sinh thái; Giải thưởng chiến binh sinh thái; Hướng dẫn điểm đến xanh của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu phù hợp với văn hóa xã hội và môi trường thực tế của Kenya.

Nhiều khách sạn và nhà nghỉ xa thành phố hiện cũng đang đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, năng lượng mặt trời hiện là một trong những giải pháp thay thế để cung cấp điện và nước nóng.
Trong khu vực Đông Nam Á thì  Indonesia, Thái Lan đã có nhiều chính sách và kinh nghiệm trong phát triển du lịch xanh. Indonesia đã xây dựng mô hình homestay xanh từ năm 2004, thông qua tiêu chuẩn khách sạn xanh từ năm 2007, tiêu chuẩn về sinh thái để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, phát triển vườn quốc gia và công viên vào năm 2011.
Dự án đảo Bali xanh được Indonesia khởi xướng từ tháng 2/2010 nhằm xây dựng Bali thành điểm đến xanh, sach, đẹp, phúc lợi, tiện nghi và bền vững với 3 chương trình chính là kinh tế xanh, văn hóa xanh và Bali xanh- sạch. Năm 2016, Indonesia đã tiến hành xếp hạng 100 điểm đến xanh hàng đầu để khích lệ các điểm đến phát triển du lịch xanh.
Thái Lan cũng đã đưa ra 7 khái niệm du lịch xanh: Tâm xanh - xận chuyển xanh- điểm đến xanh - cộng đồng xanh - hoạt động xanh - dịch vụ xanh - phương pháp tiếp cận xanh vượt trội.../.
(Bài 2: Nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam )

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục