Phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt

16:13' - 19/08/2019
BNEWS Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước tiến đáng kể, số lượng giao dịch thanh toán qua ngân hàng trong những năm gần đây không ngừng tăng lên.

Nhằm nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế, tăng tốc độ luân chuyển vốn trong xã hội, thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ… UBND thành phố Đà Nẵng đang triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước tiến đáng kể, số lượng giao dịch thanh toán qua ngân hàng trong những năm gần đây không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, giao dịch bằng tiền mặt vẫn phổ biến ở các chợ, quầy tạp hóa, siêu thị và nhà hàng.
Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, trong khi việc tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt chưa hiệu quả, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa có các sản phẩm tiện lợi, phù hợp với đặc thù buôn bán nhỏ và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Để triển khai đề án này một cách hiệu quả, các ngành chức năng tập trung phổ biến rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt đến các tổ chức, cá nhân. Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt.
Các tổ chức tín dụng cung cấp cho khách hàng những thông tin minh bạch, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung ứng nhằm giúp khách hàng đánh giá đúng về tiện ích, giới hạn và rủi ro có thể gặp phải; các quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng cũng như trách nhiệm của ngân hàng hàng trong bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, sắp xếp, bố trí họp lý mạng lưới POS (thiết bị chấp nhận thẻ), mPOS (thiết bị chấp nhận thẻ lưu động) theo hướng rà soát thu hồi những máy POS ít phát sinh giao dịch; nghiên cứu trang bị một số loại máy ATM (máy giao dịch tự động) tính năng hiện đại, có thể nhận diện chính xác khách hàng, cung ứng nhiều dịch vụ mới và có dịch vụ trợ giúp trực tuyến cho khách hàng ngay tại ATM; nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng hiện đại, có thể thanh toán được nhiều loại ngoại tệ và kết nối được với các hệ thống thanh toán khác trong nền kinh tế…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên thông tin, mục tiêu của Đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong nhận thức của người dân thành phố Đà Nẵng về thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ, an toàn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và du khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 tối ưu hóa mạng lưới ATM, POS, phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán, nâng dần số lượng thanh toán thẻ đạt khoảng 30 triệu giao dịch/năm; 95% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; 100% kho bạc nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước…/.

>>> Thanh toán không dùng tiền mặt đã thật sự tiện lợi?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục