Phát triển hệ thống khuyến nông thích ứng với tư duy kinh tế nông nghiệp

14:22' - 26/10/2023
BNEWS Ngày 26/10, tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Đây là sự kiện quan trọng trong năm 2023 của ngành nông nghiệp với sự ghi dấu chặng đường 30 năm (1993-2023) hệ thống khuyến nông Việt Nam xây dựng và phát triển, đồng hành cùng nền nông nghiệp nước nhà. Vượt qua những khó khăn, thử thách qua các thời kỳ đã khẳng định hệ thống Khuyến nông Việt Nam ngày càng lớn mạnh, luôn là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  

Giai đoạn những năm 1980 - 1990, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp rất nhiều khó khăn: các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yếu kém, sản xuất nông nghiệp sa sút, khiến nước ta phải nhập khẩu lương thực. Nhu cầu đặt ra trong hoàn cảnh đó là cần có cơ quan hướng dẫn, tư vấn giúp hộ nông dân hiểu về chủ trương chính sách và biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Thực tiễn sản xuất đã đặt nhu cầu tất yếu, khách quan cho sự ra đời của hệ thống Khuyến nông Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân, của sản xuất nông nghiệp trong nước và hội nhập với khu vực và thế giới.

Ngày 02/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/1993/NĐ-CP về công tác khuyến nông. Hệ thống khuyến nông nhà nước chính thức được tổ chức từ trung ương đến cơ sở. Thời kỳ đầu mới thành lập, nội dung hoạt động khuyến nông chủ yếu tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ nhằm mục tiêu hàng đầu là xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng.

Từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nội dung hoạt động khuyến nông đã chuyển dần sang chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hoá, áp dụng kỹ thuật thâm canh hợp lý và công nghệ hiện đại để tăng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong những năm gần đây, hệ thống khuyến nông cả nước đang tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ các chương trình, đề án lớn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu...

Trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, nhưng sứ mệnh vì nền nông nghiệp, vì nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình 30 năm qua. Con đường phát triển của khuyến nông gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, từ đảm bảo an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu nông sản. Trên hành trình đó, khuyến nông giữ vai trò chủ lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao, mang lại ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đây là cơ hội mới, vận hội mới và cũng là những thách thức mới đối với lực lượng khuyến nông. Chúng tôi nhận thức rõ sứ mệnh của mình, với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” để người nông dân thực sự trở thành chủ thể, trung tâm của sự phát triển. Hệ thống khuyến nông sẽ tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững - nông thôn hiện đại, phồn vinh - nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những đóng góp của hệ thống khuyến nông Việt Nam trong sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền nông nghiệp với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống khuyến nông trong giai đoạn mới, trong đó định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn tới được xác định đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo Chiến lược phát triển của ngành, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tích hợp đa giá trị theo tư duy kinh tế nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hình thành hệ sinh thái khuyến nông số gắn kết với hệ sinh thái nông nghiệp số của Bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng lực lượng “nông dân số”, “nông dân thông minh”…

Cùng với đó, phát triển khuyến nông vùng đặc thù và đối tượng đặc thù, trong đó vùng đặc thù bao gồm: các huyện, xã biên giới, hải đảo, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi; đối tượng đặc thù bao gồm: nông dân sản xuất nhỏ, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế ít có khả năng tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới.

Mặt khác, phát triển các hoạt động khuyến nông đô thị phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm...

Định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn tới cũng được xác định đẩy mạnh phân cấp trong hoạt động khuyến nông, trong đó, khuyến nông nhà nước tập trung vào công tác quản lý nhà nước, giữ vai trò “bà đỡ” xây dựng hệ thống khuyến nông, thị trường dịch vụ khuyến nông, đa dạng thành phần, đảm bảo chất lượng toàn bộ hệ thống khuyến nông; hình thành và tạo điều kiện phát triển khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông viện, trường, tổ chức phi chính phủ... cung cấp giải pháp công nghệ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ khuyến nông cho các hợp tác xã, trang trại, nông trại sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thị trường.Nâng

Với những định hướng đổi mới khuyến nông phù hợp với bối cảnh và tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Sau một năm hoạt động, Đề án đã vượt qua những kết quả mong đợi với 26 tổ khuyến nông cộng đồng, thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc (Hòa Bình, Sơn La); Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); Vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); Vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); Vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).

Năm 2024 - 2025, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đẩy mạnh nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng trên toàn quốc nhằm n. âng cao năng lực khuyến nông cơ sở, tạo nền tảng để chuyển hướng từ khuyến nông bao cấp sang khuyến nông dịch vụ và đa dạng chức năng khuyến nông đáp ứng nhu cầu nông dân./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục