Phát triển kinh tế biển: Bài 1 - Kế hoạch mới, tư duy cũ

10:43' - 15/08/2016
BNEWS Theo giới chuyên gia, đã đến lúc phải rà soát, điều chỉnh để khắc phục những bất cập để kinh tế biển phát triển bền vững và gắn liền với tính nhân văn.
Phương tiện công suất nhỏ đánh bắt thủy sản ven bờ trên vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu phát triển biển được Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) nêu rõ: Đến năm 2020, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh. 

Bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, năng lực đánh bắt xa bờ đã được nâng lên đáng kể với hàng trăm tàu vỏ sắt, vỏ gỗ công suất lớn vươn khơi đang làm thay đổi diện mạo ngành khai thác thủy sản ngày càng hiện đại. 

Trong lĩnh vực du lịch biển, với gần 3.000 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo/cụm đảo có giá trị du lịch như Quan Lạn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long, Cù lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Ngành này đang đóng góp 70-80% nguồn thu ngành du lịch. 

Mặc dù vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam vẫn đang dựa vào tư duy khai thác hơn là phát triển hiệu quả và bền vững. Với tâm lý ỷ vào lợi thế biển “giàu và đẹp” nên vẫn tập trung ưu tiên khai thác các dạng tài nguyên vật chất, tươi sống hơn là các dạng tài nguyên phi vật thể, các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển, không gian biển… 

Người dân vùng biển vẫn còn tư tưởng khai thác triệt để với cách thức tận thu, tận diệt nguồn lợi tự nhiên biển, dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt nguồn lợi biển. Từ đó, không tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên biển và không tạo ra được các giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên biển. 

"Hậu quả là môi trường và tài nguyên biển đang bị giảm sút về trữ lượng và hiệu suất khai thác, kể cả các nguồn năng lượng chủ chốt như dầu khí. Đa dạng sinh học biển giảm sút và nguồn vốn tự nhiên biển bị bòn rút đến mức báo động, kéo theo trữ lượng thủy sản trong vùng biển nước ta giảm sút đến 16% so với trước năm 2010. Không những thế, biển đang bị “đe dọa” và các thảm họa về môi trường biển như sự cố tràn dầu, thủy triều đỏ, ô nhiễm do độc tố... sẽ tiếp tục xảy ra", PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết. 

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển (khai thác, sử dụng) biển, đảo vừa qua so với trên đất liền còn hạn chế, chưa được chú ý đúng mức. Các quy hoạch theo đúng nghĩa chậm được triển khai. V ấn đề quản lý môi trường biển cũng chưa “rõ vai”, đặc biệt là quản lý nhà nước đối với ô nhiễm biển bởi nguồn từ đất liền. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cần xác định ngay từ đầu, vấn đề xung đột của các dự án đầu tư; đặc biệt là môi trường trong các quy hoạch và trong ý tưởng đầu tư của các dự án. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận, về phía Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét để tháo gỡ những lỗ hổng cũng như xác định rõ hơn các quy định của các dự án đầu tư; đặc biệt, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà kinh tế. 

“Phải tính một dự án đầu tư dành bao nhiêu cho sản xuất, bao nhiêu đầu tư cho môi trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bài học về vụ xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và môi trường lâu dài của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ đã cho thấy còn những sơ hở trong quá trình quản lý, giám sát dự án đầu tư. Hơn lúc nào hết, vấn đề đặt ra lúc này chính là không thể đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường sống. 

Xem thêm:

>> Phát triển kinh tế biển: Bài 2 - Không đánh đổi môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục