Phát triển lâm nghiệp bền vững - Bài 2: Nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng

08:30' - 04/04/2024
BNEWS Tuyên Quang đang tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội, dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gỗ rừng trồng.

Tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để trồng và phát triển rừng. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội, dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gỗ rừng trồng thông qua việc nâng cao chất lượng giống, loài, cấp chứng chỉ rừng… hướng đến mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

 

* Phủ “sóng” rừng FSC

Qua 8 năm triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, đến nay, trên địa bàn đã có trên 49.269 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ, đứng thứ 2 trên cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Theo bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tuyên Quang đặc biệt quan tâm, chú trọng đến quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người làm nghề rừng.

Cũng theo bà Mai Thị Hoàn, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, các doanh nghiệp, đơn vị thu mua mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái.

Năm 2018, nhận thấy hiệu quả, gia đình bà Nguyễn Thị Lý, thôn Làng Phát, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn đã chuyển đổi trồng và chăm sóc toàn bộ đồi keo gần 5 ha theo tiêu chuẩn FSC. Bà Nguyễn Thị Lý cho biết: gia đình bà đã trồng rừng nhiều năm. Tuy nhiên, trước kia gia đình trồng rừng tự do, chưa chú trọng đến chất lượng giống cây trồng hay kỹ thuật chăn sóc nên cây trồng cho năng suất thấp. Thị trường tiêu thụ cũng tự do nên giá bán không ổn định, thậm chí thường xuyên bị các thương lái ép giá.

Sau khi chuyển sang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, bà Lý đã chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật, theo dõi, quản lý chặt chẽ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cây keo vì thế cũng phát triển tốt hơn, cho cây to, chất lượng gỗ tốt và ít sâu bệnh.

Với tổng diện tích gần 24.500 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, huyện Yên Sơn đang là địa phương có diện tích rừng FSC lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UNBD huyện Yên Sơn cho hay, thời gian đầu triển khai, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến quá trình tuyên truyền vận động, thay đổi những hạn chế trong nhận thức cho các chủ rừng và người dân đối với hoạt động sản xuất lâm nghiệp; diện tích rừng của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ khi tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC chưa mang lại giá trị kinh tế cao, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia quản lý rừng bền vững…

Tuy nhiên, sau khi có nhận thức đúng đắn, các chủ rừng và người dân đã chủ động chuyển đổi, học được cách bảo vệ môi trường khi trồng, chăm sóc rừng; tiếp cận kỹ thuật canh tác mới theo quy chuẩn quốc tế. Hiện tại, mỗi ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC mang lại thu nhập cao hơn từ 15 - 20% so với trồng rừng thông thường và sức khỏe của người trồng rừng cũng được đảm bảo vì không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học...

* Nhân rộng rừng gỗ lớn

Phát triển lâm nghiệp bền vững – Bài cuối: Gắn với xây dựng nông thôn mớiTrồng rừng gỗ lớn đã và đang trở thành phong trào được nhiều địa phương ở Tuyên Quang hưởng ứng triển khai. Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, hỗ trợ các chủ rừng và người dân phát triển rừng gỗ lớn.

Điển hình như Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang, với chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất.... Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền để chủ rừng và người dân hiểu về giá trị, lợi ích mà rừng gỗ lớn mang lại.

Gia đình ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đã mạnh dạn đăng ký chuyển hóa hơn 4/12 ha keo của gia đình sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác tư 10 – 12 năm. Hiện nay, những cây keo này đã gần 9 năm tuổi. Từ giai đoạn này, cây gần như không phải chăm sóc. Từ năm thứ 10 đến 12, khối lượng gỗ có thể đạt 120 - 150 m3/ha. Với giá thị trường hiện nay sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha, gần như gấp đôi so với cây keo 7 – 8 năm tuổi.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình, tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 37 ha rừng gỗ lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Tháp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình, phát triển rừng gỗ lớn đem lại chất lượng gỗ tốt hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Đây cũng được coi là giải pháp phát triển lâu dài của đơn vị, tạo đầu ra bền vững, nhất là nâng cao chất lượng gỗ phục vụ xuất khẩu.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng giá trị gỗ rừng trồng trên địa bàn, bà Mai Thị Hoàn cho biết: Tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp như hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học và công nghệ trong chọn, tạo, cải thiện chất lượng giống cây trồng rừng; củng cố hệ thống vườn ươm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng trong tỉnh...

Tỉnh cũng tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để phát huy năng lực làm chủ công nghệ nuôi cấy mô; đưa giống keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô vào trồng rừng đại trà rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây lâm nghiệp và các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đáp ứng tiêu chuẩn rừng gỗ lớn; thực hiện các biện pháp thâm canh rừng trồng và từng bước ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng.

Năm 2024, Tuyên Quang phấn đấu trồng 10.500 ha rừng; tiếp tục mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phấn đấu lũy kế đến hết năm 2024, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 81.240 ha, phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 84.000 ha.

>>>Phát triển lâm nghiệp bền vững – Bài 1: Dựa vào dân để giữ rừng

>>>Phát triển lâm nghiệp bền vững – Bài cuối: Gắn với xây dựng nông thôn mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục