Phát triển nông nghiệp còn vướng nhiều rào cản chính sách đất đai

11:14' - 24/10/2019
BNEWS Chủ đề của Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2019 là “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.”

Sáng 24/10, Liên minh Nông nghiệp, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam Việt Nam, tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2019 với chủ đề: “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.”

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2019 là sự kiện lớn nhất trong năm của chuỗi các Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam (VAPF), là nơi quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người nông dân, giới truyền thông nhằm cùng thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Theo ông Thành, chủ đề về chính sách đất đai, nhất là trong nông nghiệp là rất quan trọng bởi liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội. Bản chất là liên quan tới quyền lợi và vấn đề phân phối cho người nông dân, vấn đề này hiện vẫn chứ chưa giải quyết được triệt để.

Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2019 với chủ đề: “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.” . Ảnh: Hoàng Tùng/BNEWS/TTXVN

Tại Việt Nam, chủ trương tích tụ và tập trung ruộng đất được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả thực hiện chủ trương đó không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển do các bất cập trong chính sách đất nông nghiệp hiện hành.

Theo báo cáo của VEPR, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha.

Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.

Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Ông Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn khắc phục những vấn đề đã nảy sinh và đang tồn tại của các chính sách hiện hành, nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển nông nghiệp sang một giai đoạn mới, cao hơn cần phải dựa trên những tư duy kinh tế mới, với những khái niệm về thuật ngữ chính xác để có tư duy đúng đắn. Từ đó chúng ta mới có cơ sở khoa học để đánh giá, phát hiện vấn đề và nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục.

Theo ông Vũ Trọng Khải, đối với hình thức trang trại nhà nước, hay thường gọi là nông, lâm trường quốc doanh thì hình thức khoán hộ là phù hợp. Đây thực chất là tái lập trang trại gia đình trong lòng doanh nghiệp, phát huy được ưu thế của trang trại gia đình trong các khâu sản xuất mang tính sinh học và ưu thế của doanh nghiệp trong khâu dịch vụ đầu vào – đầu ra của kinh doanh nông nghiệp, vừa khắc phục được nhược điểm của trang trại gia đình có quy mô nhỏ và của doanh nghiệp có quy mô lớn, xóa bỏ được cấp quản lý trung gian.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện còn nhiều rào cản chính sách trong tập trung tích tụ đất nông nghiệp như: mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác (2% thuế thu nhấp cá nhân); doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; hộ nhận chuyển nhượng đất lúa phảu là hộ nông nghiệp…

Để dần tháo bỏ những rào cản này, ông Trần Công Thắng đề xuất, bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa.

Ông Thắng cũng đề xuất khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và các khu, cụm, công viên, trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã; xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân…

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng tham gia thảo luận tập trung làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới chính sách đất đai hiện nay; trong đó có những góc nhìn về chính sách dịch chuyển đất đai theo hướng tích tụ, tập trung và tác động; một số khó khăn trong tích tụ và tập trung ruộng đất tại vùng đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu thực tế về việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp, cụ thể là cây điều ở Bình Phước…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục