Thí điểm cơ chế tích tụ đất đai: Bảo đảm hài hoà lợi ích

19:22' - 15/10/2017
BNEWS Việc triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai tại Thái Bình và Hà Nam là giải pháp đột phá về thể chế trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thí điểm cơ chế tích tụ đất đai: Bảo đảm hài hoà lợi ích. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Thái Bình và Hà Nam triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung.

Đây được coi là giải pháp đột phá về thể chế trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời hình thành một nền nông nghiệp hiện đại mà người nông dân vẫn được hưởng lợi ích tối đa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Dụng cho biết, tích tụ ruộng đất tại Thái Bình được thực hiện theo hình thức vận động người dân ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên. 

Giá thuê tùy thuộc vào đặc điểm mỗi vùng sinh thái, điều kiện sản xuất như độ mầu mỡ của đất đai, điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất….

Sau 5 năm giá thuê được điều chỉnh một lần, mỗi lần chênh lệch không quá 5% đơn giá hiện hành. Bằng cơ chế này, tính đến hết năm 2016, Thái Bình đã tập trung, tích tụ được 9.714 ha; trong đó, diện tích thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng là 3.292 ha và tập trung liên kết là 6.442 ha. Hiện đã có 36 tổ chức và 343 cá nhân tham gia thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất với 2 hình thức là thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất.

Trong quá trình thực hiện tích tụ, tỉnh Thái Bình luôn xác định rõ những nguyên tắc nhất định; trong đó đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên cho thuê và bên thuê.

Cụ thể, ngày 2/3/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã có Thông báo số 277-TB/TU kết luận về việc doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; trong đó nhấn mạnh nguyên tắc then chốt, căn bản khi thực hiện tích tụ đó là “tự nguyện, đồng thuận, tuân thủ pháp luật và bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội ở cơ sở”.

Đồng thời, Thông báo này cũng nêu rõ: “Thời gian thuê đất, giá thuê đất và phương thức thanh toán tiền thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê đất và bên cho thuê đất trên cơ sở quy định của pháp luật”.

Đánh giá về các hình thức tích tụ đang triển khai tại Thái Bình, ông Dụng cho hay, đối với hình thức thuê đất, có thể tạo ra một diện tích đủ lớn thuận lợi cho phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và công nghệ cao theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá mà không dẫn đến hiện tượng đầu cơ đất, không chịu ảnh hưởng của chính sách hạn điền; giá thuê đất là thoả thuận giữa bên thuê đất và bên cho thuê đất phụ thuộc vào loại đất, vị trí đất.

Tuy nhiên, khó khăn của hình thức này là việc vận động được nhiều hộ dân đồng thời cùng đồng thuận cho thuê lại quyền sử dụng đất để có diện tích tập trung lớn thực hiện dự án. Đây là yêu cầu của các doanh nghiệp đòi hỏi chính quyền địa phương phải đáp ứng được để triển khai dự án.

Ông Dụng cho biết, việc thuê đất được thực hiện theo nguyên tắc là doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với Chủ tịch UBND cấp xã, còn nông dân ký giấy ủy quyền cho Chủ tịch xã. Toàn bộ việc vận động nông dân là do chính quyền địa phương, đoàn thể... và coi đây là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Để giải quyết vấn đề lực lượng lao động dôi dư trong thời gian nông dân cho thuê đất, ông Dụng cho hay: "Về công ăn việc làm, thì dự án đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tiếp thu các lao động phù hợp với dự án, đồng thời, phát triển công nghiệp dịch vụ ở địa phương để thu hút số lao động dôi dư, đó là hai giải pháp cơ bản. Căn bản chúng tôi cũng đã có các giải pháp dự trù trước một số trường hợp để xử lý".

Thanh Tân là một xã đi đầu trong tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê lại tại tỉnh Thái Bình. Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, ông Bùi Mạnh Hà cho biết, đến nay xã đã tích tụ được 26 ha cho các doanh nghiệp thuê đất phát triển sản xuất, trong đó, Công ty TNHH Hưng Cúc là 16 ha; Viện Khoa học Công nghệ môi trường 6 ha trồng lúa hữu cơ...

Đáng chú ý, Công ty TNHH Hưng Cúc có xu hướng muốn thuê cả cánh đồng rộng 100 ha nhưng xã chưa đáp ứng được ngay. Do đó, mỗi năm chính quyền địa phương vận động từng hộ để mở rộng diện tích đất tích tụ.

Hiện Công ty TNHH Hưng Cúc đang thuê đất với giá 70kg/sào/năm và cộng thêm 10% nếu giá thóc của UBND tỉnh quy định thấp hơn giá thị trường; thời hạn thuê là 20 năm; hạch toán hiệu quả cho thu lãi 20,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với nông dân cấy lẻ khoảng 7 triệu đồng/ha/năm.

Theo Chủ tịch xã Bùi Mạnh Hà, thành công này là bước khởi đầu trong quá trình tích tụ, đây còn là mô hình điểm cho toàn huyện. Hiện xã đang duy trì và mở rộng mô hình này.

Để làm được như vậy, đội ngũ cán bộ xã, thôn tích cực trong tuyên truyền, tổ chức vận động bà con một cách bài bản. Bên cạnh đó, tìm được doanh nghiệp thuê đất và thỏa thuận giá thuê với bà con. Đặc biệt, nông dân rất đồng thuận trong việc tích tụ và tin vào chính quyền địa phương.

Mặc dù vậy cũng còn những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất, nhất là nông dân vẫn còn tâm lý giữ ruộng làm tài sản. Nhiều người mặc dù đã bỏ không ruộng nhưng cũng không cho thuê vì sợ mất ruộng. Do đó, khó tích tụ được một diện tích đủ rộng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp mà không bị tình trạng "xôi đỗ". Bên cạnh đó, nhiều nông dân đòi cho thuê với giá cao...

Khác với Thái Bình, tỉnh Hà Nam lại tích tụ ruộng đất theo hình thức chính quyền cấp xã, cấp huyện hợp đồng thuê đất nông nghiệp của các hộ dân, chính quyền cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng giá thuê của nông dân. Và doanh nghiệp phải cam kết, đất này chỉ được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, không được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Theo ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, việc chính quyền đứng ra thuê đất của dân như vậy cũng là để tạo niềm tin cho người dân có đất cho thuê, cũng như doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là có chính quyền bảo lãnh. Tuy nhiên, đây cũng là cách làm rất mới, chưa có quy định trong luật định.

“Vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền địa phương phải dám chịu trách nhiệm. Nếu chính quyền thiếu quyết tâm, ngại khó, ngại khổ thì sẽ không bao giờ đổi mới được”, Phó Chủ tịch Trương Minh Hiến khẳng định.

Với chủ trương thống nhất và đồng lòng từ trên xuống dưới, bằng cách làm kiên trì, cởi mở, luôn lắng nghe và điều chỉnh kịp thời mọi khúc mắc, Hà Nam đã giải quyết tương đối thỏa đáng lợi ích cho nông dân. Các hộ dân có đất ở đây chỉ cho thuê quyền sử dụng đất, còn bà con vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tỉnh cũng hỗ trợ tối đa chủ trương này bằng những chính sách thông thoáng như trích ngân sách ứng tiền trả tiền thuê đất trước cho dân, hỗ trợ cho dân tiền lỡ vụ trong thời gian chờ giao mặt bằng.

Nếu hộ nào không cho thuê, vẫn muốn sản xuất thì địa phương có trách nhiệm chuyển diện tích sản xuất của hộ đó sang khu vực có đồng đất bằng hoặc tốt hơn để tiếp tục sản xuất.

Nỗ lực đột phá của Hà Nam đã mang lại kết quả khả quan. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 500 ha, thu hút các doanh nghiệp “tên tuổi” về đầu tư như: Công ty Green Việt Nam sử dụng công nghệ Nhật Bản; Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) sử dụng công nghệ nhà kính Israel; Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương - Vinaseed…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục