Phát triển sản phẩm OCOP - Bài 1: Thúc đẩy sản xuất hàng hóa đặc sản

09:45' - 21/03/2020
BNEWS Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 2,4 triệu ha canh tác nông nghiệp và gần 7.000 ha nuôi trồng thủy sản đã xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình được thực hiện từ giữa năm 2018, đến nay các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả từ chương trình này, tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh một số khó khăn cần được tháo gỡ, khắc phục.

Bài 1: Thúc đẩy sản xuất hàng hóa đặc sản

Trọng tâm của Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với  hơn 2,4 triệu ha canh tác nông nghiệp và gần 7.000 ha nuôi trồng thủy sản đã xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, tận dụng  lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa đặc sản ở địa phương.

* Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2019, cả nước có 61/63 tỉnh thành phê duyệt, triển khai đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP; trong đó, có 19 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận 900 sản phẩm OCOP (đạt trên 33% kế hoạch).

Nông dân Bến Tre thu hoạch dừa xiêm xanh. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tất cả các tỉnh thành đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020 cấp tỉnh, đồng thời xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù; trong đó, nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Các địa phương đều xác định được một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để đầu tư và phát triển.

Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh được chọn làm điểm của cả nước triển khai Chương trình OCOP. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập,  tỉnh đã thống kê sơ bộ được gần 300 sản phẩm tiềm năng, chia thành 6 nhóm chính, gồm: thực phẩm; đồ uống; đồ lưu niệm-trang trí-nội thất; thảo dược, mỹ phẩm, chế phẩm thảo mộc; du lịch và dịch vụ nông thôn,…

Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, huyện có nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng. Bên cạnh đó, tại địa phương còn có các cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm chế biến từ dừa, các loại trái cây, đồ thủ công mỹ nghệ gắn với cây dừa và cả một số điểm du lịch sinh thái. Hiện huyện Châu Thành có một số sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3- 4 sao như đu đủ sấy dẻo, xoài sấy dẻo, bưởi da xanh và sản phẩm dừa tươi.

Đây chính là lợi thế để huyện động viên, tạo điều kiện cho các chủ vườn, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất, chế biến, thực hiện bài bản các khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ quan chức năng để được công nhận các hạng sao thuộc chương trình OCOP.

Vào cuối  năm 2019, trên địa bàn huyện Châu Thành có điểm bán các sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Bến Tre, được đặt tại Quốc lộ 60 (xã Tam Phước, huyện Châu Thành) đã tạo thuận lợi, góp phần thúc đẩy việc đăng ký, hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP.

Cùng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp được đánh giá là tỉnh  nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành và phát triển các sản phẩm của Chương trình OCOP ''Mỗi xã một sản phẩm". Việc thực hiện Chương trình OCOP đã khẳng định thương hiệu và giá trị của nhiều sản phẩm ở tỉnh Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế hợp tác và chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của tỉnh như ngành hàng lúa, cá tra, xoài, sản xuất hoa kiểng…

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm này, tỉnh Đồng Tháp đã có 70 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn là sản phẩm OCOP. Trong các ngành hàng này, ngành thực phẩm chiếm số lượng nhiều nhất, với 54/70 sản phẩm và có nhiều bộ sản phẩm khác nhau trong nhóm ngành này gồm rau, củ, quả, hạt tươi, đồ ăn nhanh, sản phẩm chế biến từ gạo, ngũ cốc, sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả, hạt;sản phẩm chế biến từ thủy sản, hải sản; tương, nước mắm, gia vị dạng lỏng và các sản phẩm từ trà.

 *  Kết nối tiêu thụ sản phẩm

Để được địa phương và người tiêu dùng công nhận, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; mẫu mã, bao bì đẹp... Nhưng điều quan trọng nhất với mỗi sản phẩm là ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín đối với người tiêu dùng,vươn xa đến nhiều thị trường  trong và ngoài nước.

Vì vậy,  đối với Chương trình OCOP, việc kết nối với các đầu mối tiêu thụ, hỗ trợ tiêu thị sản phẩm phẩm là rất cần thiết. Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, cơ quan đã hỗ trợ 12 tỉnh, thành phố trong việc xây dựng “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” tại các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp. Tất cả 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở các địa phương nêu trên đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động theo đúng quy định.

Theo đó, sản phẩm được phân phối tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP bao gồm: sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng; sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm trong kế hoạch OCOP; sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền do sở công thương các địa phương lựa chọn.

Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Đến tham quan, mua sắm tại tại điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Bến Tre được đặt tại số 238A/3 Quốc lộ 60, ấp Thạch Hựu, xã Tam Phước, huyện Châu Thành vào dịp đầu tháng 3/2020, dù đúng thời điểm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID 19, lượng du khách đến Bến Tre giảm rõ rệt, song tại điểm bán hàng này vẫn có một số khách hàng tìm đến chọn mua các sản phẩm OCOP  như thạch dừa, dừa sấy giòn các vị.

Chị Trần Thị Thanh, du khách đến từ Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: Đến tham quan điểm bán sản phẩm OCOP, chọn mua các sản phẩm đã được gắn sao, xếp hạng chính là các sản phẩm được chế biến từ dừa ngay tại xứ dừa Bến Tre khiến chị rất yên tâm.

Còn chị Trần Thị Kim Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Kim Phúc- đơn vị vận hành Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cho biết, việc gắn sao cho sản phẩm OCOP sẽ tạo lợi thế cho sản phẩm khi tham gia thị trường, dễ được các hệ thống phân phối bán lẻ và người tiêu dùng tin tưởng./.

Xem thêm: Bài 2: Tháo gỡ khó khăn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục