Gắn sao chuẩn cho sản phẩm OCOP

11:42' - 04/01/2020
BNEWS Một trong những tiêu chuẩn để sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đó là chất lượng sản phẩm.

Xác định được điều này các hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động đa dạng hóa các chủng loại, nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Qua cuộc thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2019, nhiều sản phẩm đã được gắn sao theo chuẩn OCOP.

Nhiều sản phẩm được gắn sao

Tảo xoắn, đậu tương lên men và đông trùng hạ thảo là 3 sản phẩm do Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma đầu tư, nuôi trồng và chế biến ở xã Quỳnh Lương huyện Quỳnh Lưu.

Với công nghệ sản xuất hiện đại, sạch và bền vững, cả 3 sản phẩn đã được chọn tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt chuẩn 4 sao.

Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI PHARMA cho biết, việc được các cơ quan chức năng công nhận các sản phẩm của Công ty đạt chuẩn 4 sao là cơ sở đưa sản phẩm đến với tay người tiêu dùng.

Công ty sẽ tiếp tục nâng cao quy trình công nghệ mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng để phấn đấu sản phẩm đạt được 5 sao.

Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn mở rộng diện tích trồng sen với mục tiêu hướng đến là chế biến các sản phẩm chủ lực, khai thác giá trị hàng hóa từ cây sen.

Năm 2018, Hợp tác xã Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen…

Anh Phan Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác cho biết: “Hiện tại, có 5 sản phẩm chủ lực từ sen của hợp tác xã được lựa chọn để tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen”.

Với quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học; quy trình chăn nuôi gà thịt thương phẩm; quy trình chăn nuôi gà đẻ bố mẹ lấy trứng làm giống.. khá chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đảm bảo, sản phẩm Gà Thanh Chương, huyện Thanh Chương đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường.

“Để phấn đấu gắn chuẩn 5 sao cho sản phẩm Gà Thanh Chương, chúng tôi luôn nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cũng chú trọng phát triển đàn gà để đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là công tác vô cùng quan trọng. Song song với công tác đảm bảo chất lượng hàng hóa, việc quảng bá, phát triển thị trường rất cần thiết để sản phẩm gà Thanh Chương chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh”, anh Phan Thái Xuân, Phó Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Thanh Chương cho biết.

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình OCOP, thông qua các hoạt động hỗ trợ, định hướng của tỉnh Nghệ An, nhiều cơ sở sản xuất OCOP đã mạnh dạn đầu tư, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo độ an toàn, chính xác và nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Trong 182 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng được chuẩn hóa các bước theo quy trình OCOP đã có 62 sản phẩm tham gia cuộc thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2019. Tiêu biểu là Thành phố Vinh với 11 sản phẩm, huyện Thanh Chương với 9 sản phẩm.

Nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm

Mặc dù chưa có sản phẩm nào đạt chuẩn OCOP 5 sao nhưng với sự hỗ trợ của các ngành, địa phương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh đã có 53 sản phẩm được xếp hạng 3, 4 sao; qua đó, đã giúp sản phẩm được đảm bảo về chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Là một trong những đơn vị có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Thanh Chương, ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương cho biết, hiện huyện có 9 sản phẩm tham gia thi chấm ở cấp tỉnh, các chủ thể đã và đang cố gắng hoàn thiện các sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn của OCOP.

Hướng tới gắn sao cho sản phẩm, Hợp tác xã sản xuất sắn dây, tinh bột nghệ Nam Anh, huyện Nam Đàn đã đầu tư hệ thống máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hồ Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết, thời gian qua, được sự hỗ trợ từ dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào di sản ở các làng nông, ngư nghiệp” của tổ chức JICA, 15 hộ tham gia Hợp tác xã tinh bột sắn, tinh bột nghệ Nam Anh đã đổi mới tư duy sản xuất, cho ra đời các sản phẩm từ sắn dây, bột nghệ đạt chuẩn, tạo đà để nâng cao chất lượng, xây dựng và gắn sao để sản phẩm bột sắn dây, bột nghệ vươn ra thị trường xuất khẩu.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất thủ công gia truyền khép kín, chè Minh Sáng, huyện Anh Sơn nhanh chóng khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hiện nay thương hiệu chè Minh Sáng đã được cấp mã vạch bảo hộ sản phẩm và được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nghệ An cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm. “Hợp tác xã quản lý nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài việc không dùng hóa chất để kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật, Hợp tác xã cũng không dùng các chất phụ gia lấy hương, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là điểm cốt lõi, tạo niềm tin với người tiêu dùng”, Ông Võ Văn Đồng, Giám đốc Hợp tác xã Chè Xanh Minh Sáng, huyện Anh Sơn cho biết.

Hiện nay, việc hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm OCOP, đảm bảo quy định theo Bộ tiêu chí OCOP đang được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An chú trọng thực hiện, hướng tới mục tiêu gắn sao; qua đó, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo để có sản phẩm đạt 5 sao.

Đây là xu hướng tốt trong sản xuất hàng hóa sản phẩm đặc thù của địa phương. Muốn vậy, thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành phố khác tham gia vào các kênh phân phối của địa phương và ngược lại; quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm như: hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghiệp để lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư”, ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục