Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Ngày 25/5, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.
Việc xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột là một bước cụ thể hóa triển khai thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 103 của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột.
Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đắk Lắk, sự thống nhất, góp ý của các Bộ, ngành Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 5 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (2 chính sách); Ưu đãi thu hút đầu tư (1 chính sách); Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch (1 chính sách); Ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt (1 chính sách). Cụ thể, về mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, phần dư nợ tăng thêm so với Luật Ngân sách nhà nước dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ % định mức chi thường xuyên theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột. Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đề xuất dự án đầu tư thuộc các ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 9 năm tiếp theo.Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt: Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột. HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi, tiêu chí xác định đối tượng, chuyên gia, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút việc làm tại thành phố Buôn Ma Thuột. Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế và văn hóa, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.Có hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không thuận tiện kết nối các đô thị lớn của vùng Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa, Đà Lạt) với các trung tâm phát triển, cảng biển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.
Thành phố Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên gắn với nhiều di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là vùng đất cao nguyên quy tụ 47 dân tộc anh em với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với tiềm năng về đất đai, khí hậu của cả vùng Tây Nguyên về phát triển các cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, bơ..., thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Để tạo điều kiện cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 với các nhóm giải pháp, chính sách phân cấp mạnh hơn cho thành phố và cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra. Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ ra rằng, mặc dù thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được một số mục tiêu đề ra và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với mức tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá dẫn đến sự gia tăng của quy mô nền kinh tế…Tuy nhiên, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác trong Vùng xét trên các khía cạnh như: Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách; mức độ đạt được các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh; tốc độ xây dựng các khu đô thị mới, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; sự kết nối với các tỉnh khác trong địa bàn Tây Nguyên và quốc tế cũng như tác động lan tỏa đối với Vùng của lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục và thể thao…
Để định hướng cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là: "Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia. Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực". Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố xứng tầm với đô thị trung tâm của Vùng… Tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thu hút đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế (cả trong nước và ngoài nước) trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế chính sách mới, đặc thù, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội hội riêng có của Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên để tạo đột phá đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là các nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Đồng thời, giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối phợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk sớm xây dựng trình Quốc hội đề án cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước. Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, nếu các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới. Chẳng hạn 2 cơ chế về tài chính (mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk và tăng mức phân bổ chi thường xuyên) sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn, giúp thành phố chi cho đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan, nhất là việc cải tạo hành lang các dòng suối chảy trong lòng thành phố, tạo môi trường xanh, sạch, hiện đại, bản sắc. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư vào Buôn Ma Thuột, đặc biệt là lĩnh vực mà thành phố cũng như tỉnh có thế mạnh như sản xuất, chế biến sâu nông sản. Ngoài ra, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cũng tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về sinh sống, cống hiến cho thành phố./.Tin liên quan
-
Kinh tế và pháp luật
Vụ phá rừng tại Đắk Lắk: Bắt tạm giam 28 đối tượng liên quan
09:39' - 22/05/2022
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa phê chuẩn và thực hiện các Quyết định khởi tố bị can, Quyết định bắt tạm giam đối với 28 đối tượng để điều tra làm rõ về hành vi “Hủy hoại rừng”.
-
Kinh tế & Xã hội
Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk)
11:14' - 30/04/2022
Do thiếu nguồn vốn chi trả giải phóng mặt bằng nên dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa ở tỉnh Đắk Lắk phải tạm dừng thi công gây lãng phí lớn trong việc sử dụng vốn đầu tư công.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thúc đẩy giao lưu Nghị viện Việt Nam - Đức
08:23'
Mong muốn của Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Đức trong lĩnh vực giáo dục vì Đức có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu châu Âu.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội thu hút đại bàng để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
21:51' - 04/12/2024
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới của thành phố là tập trung triển khai sớm các khu công nghệ, khu công nghiệp lớn mà đã được trong quy hoạch Thủ đô
-
Kinh tế Việt Nam
Tìm giải pháp tháo gỡ 4 điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công
21:50' - 04/12/2024
Một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu xem xét, thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII lần thứ 20 là tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.
-
Kinh tế Việt Nam
Công khai, minh bạch thông tin để sớm đưa nhà máy giấy 10.000 tỷ đồng vào hoạt động
21:46' - 04/12/2024
Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 với quy mô diện tích 117ha, công suất 350.000 tấn bột giấy/nǎm được xây dựng tại thôn Phú Long, xã Bình Phước (huyện Bình Sơn). Tổng mức đầu tư là 10.000 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ động ngăn ngừa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
20:35' - 04/12/2024
Một số tàu cá đã có dấu hiệu lợi dụng việc tàu cá dưới 15 mét hoạt động ở vùng khơi nhưng không bị xử lý hoạt động sai vùng... để khai thác thuỷ sản trái phép.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tháo gỡ điểm nghẽn để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
20:24' - 04/12/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
-
Kinh tế Việt Nam
Hàng chục khu đất "đẹp" tại Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành thủ tục để đấu giá
20:17' - 04/12/2024
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 21 khu đất lợi thế nằm gần các tuyến đường giao thông đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt phương án đấu giá.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành tổng kết sắp xếp, tinh gọn bộ máy
19:39' - 04/12/2024
Ban chấp hành Đảng bộ thành phố xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025, thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy...
-
Kinh tế Việt Nam
Thu giữ hơn 200.000 sản phẩm xâm phạm quyền nhãn hiệu Redbull
19:04' - 04/12/2024
Đoàn kiểm tra phát hiện 3.000 lon nước uống tăng lực đang được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội mang các dấu hiệu xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu được bảo hộ của Tập đoàn TCP.