Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP - Bài 2: Gắn kết du lịch, tạo giá trị gia tăng

11:27' - 19/08/2023
BNEWS Bình Thuận đang thực hiện đa dạng sản phẩm du lịch từ sản phẩm OCOP để phát triển du lịch và tạo giá trị gia tăng, nâng tầm cho sản phẩm.

Đa dạng sản phẩm du lịch từ sản phẩm OCOP, đồng thời qua đó mở rộng thị trường, quảng bá các sản phẩm thế mạnh là giải pháp đang được tỉnh Bình Thuận thực hiện để phát triển du lịch và tạo giá trị gia tăng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP.

* OCOP "có mặt" tại các điểm đến du lịch

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2020-2025, Bình Thuận xác định 3 lĩnh vực kinh tế trụ cột gồm công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Vì vậy, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch là một trong những giải pháp quan trọng. Qua đó, chủ thể của các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn thông qua những sản phẩm, đặc sản, quà lưu niệm chất lượng, mang đậm dấu ấn từng địa phương của tỉnh.

 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết:  Bình Thuận chú trọng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các địa điểm du lịch trọng điểm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của ngành du lịch, website các cơ sở lưu trú… nhằm giới thiệu rộng rãi các điểm bán sản phẩm OCOP đến du khách. Ngoài ra,  tỉnh còn tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế mà ngành Du lịch Bình Thuận Tham gia.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số điểm đến du lịch, đồng thời cũng chính là các cơ sở có sản phẩm OCOP được du khách ưa chuộng khi tới tham quan, trải nghiệm các công đoạn sản xuất và mua sắm sản phẩm OCOP. Ví dụ tại thành phố Phan Thiết có Công ty TNHH Nước mắm Cá đen, Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa của Công ty TNHH Seagull, Cửa hàng Hải Nam Foods của Công ty TNHH Hải Nam. Tại huyện Hàm Thuận Bắc có điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ và tại huyện Hàm Thuận Nam có điểm đến Hợp tác xã trang trại sản xuất nho, dưa lưới, thanh long.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận Ngô Minh Trang, thông tin: UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó có giải pháp tập trung phát triển thị trường thông qua gắn kết với du lịch. Các ngành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông xây dựng, kết nối các tour, tuyến đến các điểm du lịch cộng đồng, tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến các thị trường khách du lịch trọng điểm, các điểm du lịch ở trong và ngoài tỉnh. Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm ít nhất 80 -130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

* Gia tăng giá trị

Hoạt động gắn kết với phát triển du lịch vừa tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch, dịch vụ, vừa mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP sẽ thực sự trở thành những đặc sản mang không chỉ mang giá trị tiêu dùng mà còn thể  hiện bản sắc văn hóa, thu hút du khách đồng thời cũng chính là người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ về chất lượng, mẫu mã mà còn cần kể những câu chuyện riêng liên quan đến từng sản phẩm. Các chủ thể cần thông tin nhiều hơn về giá trị của nguồn nguyên liệu tại địa phương, cách thức sản xuất, chế biến riêng biệt. Có vậy mới tránh được sự trùng lặp, mới tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm. 

Theo chị Phạm Thị Kim Lài, trong tour du lịch tới Bình Thuận, du khách rất thích thú khi được đến tham quan Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa. Tại đây, du khách được xem phim tư liệu, tham quan tìm hiểu về nghề làm nước mắm truyền thống của ngư dân Phan Thiết qua các bức tranh, các khung cảnh tái hiện, các dụng cụ làm nghề, nếm thử nhiều loại nước mắm. Du khách cảm nhận rõ sự độc đáo và cả  nét văn hóa của người dân vùng biển Phan Thiết được thể hiện qua từng khâu chế biến, cách bảo quản các loại đặc sản. Kết thúc chuyến tham quan bảo tàng, nhiều du khách đã mua các đặc sản được giới thiệu, bày bán tại đây như: nước mắm, bánh rế...

Tương tự, anh Lâm Thanh Tùng, nhân viên hướng dẫn du lịch tại điểm đến du lịch trải nghiệm Bình An Farm (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) cho hay, với sản phẩm du lịch trải nghiệm tham quan vườn trồng đặc sản thanh long, nho, dưa lưới, riêng trong tháng 7- tháng cao điểm du lịch Hè, điểm đến đón khoảng 5.500 du khách.

Tham quan, chứng kiến các công đoạn chăm sóc công phu, bảo đảm sản phẩm sạch, thưởng thức và mua sắm đặc sản, du khách đã có phản hồi rất tốt. Vì vậy, thời gian tới Bình An Farm trồng thêm một số loại cây ăn quả khác, bổ sung các hạng mục như nhà gỗ phục vụ du khách, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm hơn. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai đang giới thiệu tới du khách đa dạng các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Lượng du khách đến Bình Thuận tăng cao đáng kể.

Trong 7 tháng năm 2023, tỉnh đón trên 5,3 triệu lượt du khách, tăng hơn 82% so cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đây là cơ hội rất thuận lợi để Bình Thuận quảng bá các sản phẩm, điểm đến du lịch mới, đưa du khách đến tham quan trải nghiệm và mua sắm tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, đặc sản. Qua đó, vừa tạo sự đa dạng cho sản phẩm, loại hình du lịch vừa nâng tầm giá trị, mở rộng "kênh"  tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương duyên hải Nam Trung Bộ./.

>>>Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP- Bài 1: Khẳng định thương hiệu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục