Phát triển thị trường xuất khẩu gắn với xúc tiến thương mại

16:28' - 02/07/2024
BNEWS Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; các đơn vị cần rà soát mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn.

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 với chủ đề: “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024”.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại. Do vậy, các đơn vị của Bộ Công Thương cần rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

Ngoài ra, cần phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về triển vọng thương mại những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển kiêm nhiệm Bắc Âu thông tin, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các hộ gia đình khu vực Bắc Âu đã thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu ngay cả trong những tháng nghỉ hè. Nhiều ngành gặp khó khăn như xây dựng, buôn bán nội thất, quần áo, giày dép… và được dự đoán sẽ có nhiều vụ phá sản trong thời gian tới. Thương mại ngành quần áo, giày dép đều giảm mạnh, trong khi lĩnh vực xây dựng có thể thấy rõ sự tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990, tình trạng phá sản trong ngành ngày càng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu của khu vực này giảm.

 

Bên cạnh đó, đồng tiền của các nước này, đặc biệt là Thụy Điển, hiện đang ở mức thấp kỷ lục so với đồng EURO và USD. Việc đồng tiền yếu đã làm cho hàng hoá nhập khẩu trở lên đắt đỏ. Đồng thời, các hàng hoá sản xuất trong nước trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hoá nhập khẩu. Điều này có thể thúc đẩy sự ưa thích các sản phẩm nội địa và làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các nước khác.

Ngoài ra, các xung đột chính trị và chiến tranh tại một số khu vực trên thế giới đã làm tăng chi phí vận chuyển quốc tế khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Bắc Âu. Do vậy, đối với các thị trường nhỏ và xa như Bắc Âu, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển nhập khẩu qua trung gian để tiết kiệm chi phí. Do vậy, dự báo nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam vào khu vực Bắc Âu sẽ khó khăn trong 6 tháng cuối năm.

Để khắc phục các khó khăn của thị trường, ngoài việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp qua 2 trang web, facebook, bản tin của thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã tổ chức một số hội thảo cũng như tuần hàng, hội chợ để quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như quảng bá sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Thương vụ cũng đưa đoàn doanh nghiệp Bắc Âu về Việt Nam tham dự Hội chợ nguồn hàng do Bộ Công Thương tổ chức. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng rất mới được đưa vào thị trường.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng có thị trường xuất khẩu qua hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; có trên 500 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; trong đó, hơn 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên với các mặt hàng chủ lực như dệt may; thủy sản; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ; cao su thành phẩm; động cơ, thiết bị điện, sản phẩm điện tử; đồ chơi trẻ em; dược phẩm; cần câu cá; vật liệu xây dựng; đóng tàu xuất khẩu...

Tới đây, Đà Nẵng sẽ tăng cường thông tin, vận động doanh nghiệp tiếp tục tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Cùng đó, hoàn thành việc tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại góp phần hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thành phố khi tham gia chương trình.     

Mặt khác, Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, chương trình “Thương hiệu quốc gia”; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại năm 2024, Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ phối hợp Bộ Công Thương, tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế; triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi các FTA...

Ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng kiến nghị, sở đã tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức Đoàn công tác hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng thăm và làm việc tại Thụy Điển và Phần Lan và kỳ vọng được Thương vụ tại thị trường này hỗ trợ các khâu kết nối để tổ chức thành công chương trình của Đoàn công tác. 

Ngoài ra, thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được doanh nghiệp quan tâm; trong đó, có thị trường Canada. Thời gian tới, khi Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Canada, đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ thành phố Hải Phòng cùng tham gia Đoàn.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng và doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng nói chung trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tổ chức một Hội nghị kết nối hoạt động xuất khẩu giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước tại thành phố Hải Phòng. 

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị trong bộ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp kết nối khách hàng phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, da giày, phần mềm... 

Thông qua việc duy trì sự hiện diện của  doanh nghiệp, ngành hàng, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ triển lãm quốc tế lớn; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE), Bulgaria, Kazakhstan, Australia và New Zealand.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, cụ thể xuất khẩu nhóm nông, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, khoảng 19,9%; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục