Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược - Bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu

09:11' - 22/09/2019
BNEWS Khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chế biến, xuất khẩu trái cây nói riêng sẽ gặp thế cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác trên thế giới.
Trái cây Việt bày bán tại siêu thị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Do đó, vấn đề đặt ra là ngành trái cây Việt Nam phải có một nền tảng vững chắc để thúc đẩy toàn ngành giữ vị thế xuất khẩu như hiện nay.

Cụ thể, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sẽ giúp cho khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.

Còn nhiều trở lực

Bà Nguyễn Hữu Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) đánh giá, các FTA có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều lợi ích.

Cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thuận lợi đi vào các thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…, với thuế nhập khẩu giảm dần từ 10% về 0% theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, các FTA cũng có mặt trái cho nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đó là, các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một hàng rào kỹ thuật vững chắc để sàng lọc sản phẩm.

Hầu như tất cả sản phẩm của các quốc gia thuộc hiệu lực của FTA đều có thể tiến vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng.

Tổ chức Horticulture Innovation Australia (Tổ chức Đổi mới trồng trọt Australia) thống kê, tính đến tháng 9/2019, Australia đã xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 4.000 tấn cam Navel. Ngoài cam, Australia còn xuất sang Việt Nam 2 loại cherry và quýt.

Không riêng trái cây Australia, trái cây của Mỹ cũng bắt đầu đổ vào thị trường Việt Nam và có mặt ở nhiều phân khúc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 188 triệu USD trị giá các loại rau củ, trái cây từ Mỹ như: cherry, lê, nho, táo, việt quất…

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập từ các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, tăng từ 40-50% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi trái cây từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng thì trái cây đi vào các thị trường khác lại vướng nhiều quy định ngặt nghèo.

Để vào được thị trường Australia và Nhật Bản, trái cây Việt Nam phải chiếu xạ để loại trừ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất nguy hại.

Thế nhưng, hiện nay Việt Nam chỉ mới có 1 nhà máy chiếu xạ cho trái cây tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, để xuất khẩu sang các thị trường khó tính này, trái cây Việt phải đi hết một vòng Việt Nam mới có thể đặt “chân” ra nước ngoài.

"Còn tại những thị trường khó tính, nội tại vốn đã có hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm soát lượng hàng hóa từ quốc gia khác tiến vào thị trường này. Do đó, dù FTA có hiệu lực thì chính họ cũng đã có phương tiện để bảo hộ nền sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Đơn cử, trái chuối Fhola muốn vào với thị trường Nhật Bản phải đáp ứng được 145 tiêu chí về dư lượng chất bảo vệ thực vật, còn đối với gạo phải là 270 tiêu chí.", Chủ tịch AFT, bà Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết.

Tạo vùng nguyên liệu chất lượng

Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính, bắt buộc người sản xuất trong nước phải tuân theo các tiêu chí an toàn, vệ sinh thực phẩm do khách hàng quốc tế đưa ra. Thế nhưng, tỷ lệ những người sản xuất theo chất lượng quốc tế hiện còn rất thấp.

Các mặt hàng trái cây giới thiệu tại Lễ hội trái cây. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Thậm chí, có nhiều hợp tác xã, người sản xuất trái cây Việt Nam nỗ lực đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong đáp ứng các tiêu chí chất lượng này.

Đơn cử như mặt hàng xoài vốn được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng, nhưng để đưa được trái xoài sang xứ sở “kim chi”, người sản xuất phải trải qua khâu chăm sóc kỳ công.

Theo ông Võ Việt Hưng, Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương có liên kết sản xuất cung ứng trái xoài tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu xoài đi thị trường Hàn Quốc. Để trái xoài có thể đến với người Hàn Quốc thật không dễ dàng.

Trái xoài cát chu vốn có vỏ dày, độ ngọt vừa phải, thời gian bảo quản dài hơn trái xoài cát hòa lộc, nhưng trong lúc chăm sóc, nếu bao trái không cẩn thận, chỉ cần có một vết đen trên cuống xoài thì sẽ không được doanh nghiệp xuất khẩu tuyển chọn.

Những sản phẩm mất nhiều công chăm sóc này chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá thấp hơn, vì mẫu mã không đẹp mắt, dù chất lượng không đổi.

Riêng mặt hàng chuối Fhola và trái thanh long, muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Đình Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T cho biết, trái thanh long muốn vào Nhật Bản cần sục qua nước muối để loại bỏ những dư lượng bảo vệ thực vật, không được sử dụng các công nghệ xử lý, chiếu xạ khác.

Công nghệ này xem ra đơn giản, nhưng không thể giữ được trái thanh long tươi lâu trong thời gian nửa tháng mới đến được thị trường Nhật Bản.

Đối với chuối Fhola, cũng với cách sơ chế bảo quản này và phải đáp ứng hơn 140 tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước những yêu cầu về sơ chế, bảo quản đối với trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Mười cho rằng, doanh nghiệp phải trực tiếp đầu tư vào các vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sản xuất và chăm sóc vườn cây cho người sản xuất để tạo ra sản phẩm thật chất lượng.

Lúc đó, mới có hy vọng áp dụng những yêu cầu về bảo quản trái cây của thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đây là việc làm tưởng đơn giản mà lại quá khó khăn đối với sản phẩm trái cây tươi.

Hiện nay, cả nước có không nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư vào vùng nguyên liệu trái cây chất lượng, phục vụ cho xuất khẩu và chế biến trong nước.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đi đầu như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, với tổng diện tích vùng nguyên liệu trái cây là 30.000 ha, Công ty cổ phần Lavifood với tổng diện tích vùng nguyên liệu trái cây là 10.000 ha.

Trong tương lai doanh nghiệp này mở rộng lên 30.000 ha. Từ những doanh nghiệp đi đầu, ngành trái cây Việt Nam có thể xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, vượt qua những rào cản về yêu cầu bảo quản trái cây của thị trường khó tính, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu hiện nay./.

Bài cuối: Áp dụng nhiều giải pháp

Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược - Bài 1: Đa dạng trái cây xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục