Phát triển vận tải đường thủy, giảm áp lực cho đường bộ

17:16' - 10/07/2023
BNEWS Cục Đường thủy Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực triển khai tốt hơn nữa chủ trương giảm áp lực cho vận tải đường bộ, chuyển sang vận tải đường thủy.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam diễn ra ngày 10/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm 2023, Cục Đường thủy Việt Nam cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sắp xếp bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, tăng cường chất lượng cán bộ; tổ chức tốt thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia về đường thủy nội địa; nỗ lực triển khai tốt hơn nữa chủ trương giảm áp lực cho vận tải đường bộ, chuyển sang vận tải đường thủy.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý luồng tuyến; trong đó, có thí điểm giao cảng vụ quản lý luồng đường thủy nội địa.

 

Theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thum thời gian qua lĩnh vực đường thủy vẫn còn những sai phạm xảy ra ở cảng vụ, vì vậy thanh tra, Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo rốt ráo xử lý, không bao che, rút kinh nghiệm trong toàn bộ hệ thống. Thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế này.

Cùng với đó, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ chuyên môn để ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số... Đặc biệt, tiếp tục triển khai các giải pháp phát huy tốt kết quả đã đạt được trong quản lý vận tải và an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Trước đó, báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo cho biết, trong công tác quản lý vận tải, Cục đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng tăng thị phần vận tải thủy nội địa, chia sẻ thị phần vận tải đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải, giảm chi phí logistics.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách đạt 172,3 triệu lượt khách, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2022; về hàng hóa đạt 231 triệu tấn, tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Với việc triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, nhất là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tình hình tai nạn giao thông chuyển biến tốt, giảm cả 3 tiêu chí. Cả nước xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa làm 8 người chết và không có người bị thương.

So với 6 tháng đầu năm 2022, giảm 8 vụ giảm 40%, giảm 25 người chết giảm 75,76% và giảm 3 người bị thương giảm 100%.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức giám sát đào tạo thông qua camera, thiết bị định vị phương tiện thực hành. Qua đó, hoạt động đào tạo, thi, sát hạch cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ thuyền viên thủy nội địa được chấn chỉnh kịp thời.

Về quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các phương tiện chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa. Sắp xếp nơi neo đậu tàu, thuyền, đảm bảo hợp lý, an toàn cho phương tiện, không để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn luồng chạy tàu, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khác trên đường thủy nội địa.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục