Phát triển xe buýt ở Hà Nội – Bài 1: Vừa thiếu vừa yếu

15:31' - 03/12/2019
BNEWS Để xe buýt có thể phát triển đáp ứng mục tiêu để thay thế phương tiện cá nhân đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ cho xe buýt phát triển.
Tạo cú huých để xe buýt phát triển ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trong khi các ngành chức năng còn đang nghiên cứu xây dựng các đề án để đưa Nghị quyết số 04/2017/NQ – HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030, thì tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho Thủ đô, cùng với hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng được Nghị quyết 04/NQ – HĐND xác định là nhiệm vụ quan trọng; trong đó, hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng là mối quan hệ biện chứng. Chính sách này cần tiếp tục kiên định thực hiện với những ưu tiên phù hợp cho từng giai đoạn.

Bài 1: Cần chính sách hỗ trợ

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một số đề án cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết 04 trên thực tế. Thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đã có đủ các điều kiện cần thiết, vận tải hành khách công cộng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng phải phát triển đến một mức độ tương ứng nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, cải thiện môi trường sống của thành phố.

* Vừa thiếu, vừa yếu

Đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn vẫn chưa được cải thiện, “xóa” được điểm này thì điểm ùn tắc mới lại phát sinh. Hiện tượng ùn ứ giao thông xảy ra với tần suất nhiều hơn, nhất là tại các tuyến phố có công trình đang thi công, các tuyến đường xuyên tâm, tuyến phố tập trung nhiều khu đô thị, trường học… Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân cũng tiếp tục tăng chóng mặt, tỷ lệ ô tô, xe máy nhập khẩu vẫn tăng nhanh.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố Hà Nội, tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện các loại, gồm 740.000 ô tô, 5,8 triệu xe máy, 150.000 xe máy điện, 1 triệu xe đạp, chưa kể các phương tiện ngoại tỉnh và vãng lai. Tốc độ tăng trưởng ô tô trung bình 12,9%/năm; xe máy tăng trung bình 7,66%/năm. Tỷ lệ phương tiện xe buýt là 0,16 xe buýt/1000 dân; 49,8 xe con/1000 dân; 682 xe máy/1000 dân.

Trung bình 1 km đường do Sở Giao thông Vận tải quản lý có 0,63 xe buýt trợ giá, 2519 xe máy, 184 ô tô con lưu thông, chưa tính đến các phương tiện khác. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao dẫn đến tốc độ lưu thông giảm mạnh. Tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng và thời gian ùn tắc giao thông kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố.

Hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế. Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn 12 quận có khoảng 577 điểm, bãi đỗ xe tập trung với diện tích 34,04 ha. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt khoảng 0,28% diện tích đất xây dựng đô thị. Trong khi theo Quyết định 559/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến năm 2020 phải đạt từ 10 – 13% (trong đó giao thông tĩnh đạt 0,6 – 0,7%) và đến năm 2025 phải đạt 15 – 17% (trong đó giao thông tĩnh đạt 1,3 – 1,4%).

Với đặc điểm hiện trạng và đặc thù hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn ngày càng nghiêm trọng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao dẫn đến tốc độ lưu thông giảm mạnh so với năm 2010 (thời điểm này xe buýt và ô tô có tốc độ dưới 15 km/giờ còn xe máy là 18 – 20 km/giờ); thời gian ùn tắc giao thông kéo dài.

Bên cạnh đó có quá nhiều quy hoạch riêng lẻ cho các đối tượng nghiên cứu có tính chất liên kết chặt chẽ, đặc biệt là không gian và xây dựng đô thị - giao thông – kinh tế xã hội.

Các quy định về quy hoạch chưa sát thực tiễn, đặc biệt là sự bất hợp lý giữa yêu cầu kỹ thuật và định mức tài chính. Cơ sở hạ tầng và vận tải công cộng với mạng lưới đường đô thị phân bố không đều, mạng lưới ngõ phố không có tiêu chuẩn; bãi đỗ xe thiếu về diện tích và phân bố không đều. Khả năng đáp ứng của vận tải hành khách công cộng còn gặp một số rào cản, hạn chế sự phát triển, phải vận hành trong điều kiện giao thông hỗn hợp và thường xuyên bị điều chỉnh do tổ chức giao thông hoặc thi công các công trình giao thông của thành phố,tính liên thông của mạng lưới chưa cao.

* Những yêu cầu đặt ra

Giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng được nêu trong Nghị quyết 04/NQ – HĐND đối với biện pháp hành chính yêu cầu phải xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể, triển khai thực hiện các chỉ tiêu về phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng đó, xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách bằng xe buýt tạo sự kết nối hợp lý và thuận tiện.

Đặc biệt, rà soát sửa đổi Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Đồng  thời rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường, nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mặt khác, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Đối với biện pháp kinh tế cần nghiên cứu ban hành các quy định khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ. Rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hóa và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro4, Euro5, sử dụng nhiên liệu sạch và có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Ngoài ra giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng vi phạm các quy định trong quá trình khai thác.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, để có thể xem xét dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 thì hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế phải đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Để đảm bảo yêu cầu trên, đến năm 2030 cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 – 55.000 xe hợp đồng, 15 – 20 tuyến minibus, 8000 – 10.000 xe đạp công cộng.        

Trong khi Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị và còn chưa được đưa vào khai thác thì tương lai xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực.

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, với thực tế hoạt động như hiện nay, để xe buýt có thể phát triển đáp ứng mục tiêu để thay thế phương tiện cá nhân khi Hà Nội dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ cho xe buýt phát triển./.

Bài 2: Kiên định chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục