Tăng lượng xe buýt để giảm phương tiện cá nhân vào nội đô

12:15' - 29/10/2019
BNEWS Để giảm phương tiện giao thông cá nhân, kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông thì một trong những điều kiện quan trọng là phải phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại người dân.
Từ ngày 1/9/2019, người trên 60 tuổi được đi xe být miễn phí. Ảnh: TTXVN

Với mục tiêu dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, khi hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5 - 64,8% nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội đang tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện cũng như thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, thu hút người dân đi lại bằng xe buýt. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để đưa các tuyến đường sắt trên cao vào hoạt động.

Tích hợp và đồng bộ

Mặc dù quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đã hết sức tập trung vào phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng sức chứa lớn.

Nhưng căn cứ trên tình hình thực tế xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và BRT hiện nay thì đến năm 2020, thành phố Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến buýt nhanh BRT (Yên Nghĩa – Kim Mã) và 2 tuyến đường sắt đô thị (Tuyến 2A: Cát Linh – Hà Đông; tuyến 03: Nhổn -  ga Hà Nội) hiện vẫn chưa đưa vào khai thác.

Với mục tiêu tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng đạt mức 20 – 25% vào năm 2020; trong đó theo tính toán, công suất của hệ thống đường sắt và tuyến BRT khai thác cực đại chỉ ở mức 4% - 5%. Như vậy, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt phải đảm nhiệm là 15 – 20%.

Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Từ Sỹ Sùa, Giảng viên Cao cấp trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, để đạt được mục tiêu đề ra thì việc đưa thêm số lượng lớn xe buýt vào hoạt động ở Hà Nội là hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Từ Sỹ Sùa, trước thực tế đó, Hà Nội vẫn phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn Thủ đô. Trong vận tải hành khách công cộng, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ yếu đến năm 2030.

Theo đó, sự phát triển của xe buýt cần theo hướng “Cung cấp dẫn đầu”; phối hợp đồng bộ giữa phát triển vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện có sức chứa lớn với hạn chế phương tiện cá nhân.

Phát triển xe buýt phải theo hướng bền vững, đồng bộ và tích hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối, quản lý, thông tin…Ưu tiên phát triển để nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện, ưu tiên sử dụng các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, đạt khí thải theo quy định.

Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó đặc biệt quan tâm đến chi phí và thời gian đi lại bằng xe buýt theo nguyên tắc: Thời gian chuyến đi bình quân bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng theo phương pháp O – D (tốc độ O – D) phải được xem là quy chuẩn để thiết kế mạng lưới vận tải hành khách công cộng và để tính toán các chỉ tiêu dẫn xuất khác. Chi phí đi lại bằng xe buýt không vượt quá 7% thu nhập của người dân.

Xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, bên cạnh xe buýt Hà Nội sẽ có các loại hình vận tải hành khách công cộng có sức chứa lớn gồm 8 tuyến buýt BRT và 9 tuyến đường sắt đô thị nằm trong vành đai 4.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai 2 tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến Nhổn – ga Hà Nội và tuyến Cát Linh – Hà Đông. Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ được khai thác trước 8,5 km đường trên cao vào tháng 4/2021, sau đó tiếp tục hoàn thiện 4 km ngầm để khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Người cao tuổi làm thủ tục tại điểm cấp phát thẻ xe buýt miễn phí trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Còn tuyến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thời gian tới sẽ đầu tư kéo dài thêm 20 km, điểm cuối tuyến kéo dài là depot thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương nghiên cứu xây dựng kéo dài một số tuyến đường sắt đô thị khác tại Hà Nội để kết nối với đô thị vệ tinh.

Cụ thể sẽ đầu tư kéo dài tuyến số 2 thêm 9 km, kết nối Nội Bài - Trung Giã, huyện Sóc Sơn và tuyến số 3 thêm 30 km, kết nối Nhổn - Sơn Tây chạy dọc theo quốc lộ 32.

Đồng thời đầu tư tuyến đường sắt đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai, chiều dài khoảng 32km để kết nối 3 đô thị vệ tinh phí tây bắc Thủ đô.

Như vậy, trong khi chờ các tuyến đường sắt đô thị đi vào vận hành xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực trong lộ trình tiến tới dừng hoạt động của xe máy ở nội đô vào năm 2030.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, năm 2019, vận tải hành khách công cộng của Thủ đô tiếp tục có sự tăng trưởng góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Đến nay, năm 2019, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn thành phố ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017.

Để tiếp tục phát triển xe buýt, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội đã đưa ra các đề xuất và giải pháp phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực hạn chế xe máy bao gồm: Chính sách về làn đường ưu tiên cho xe buýt; ưu tiên quỹ đất hạ tầng cho xe buýt , ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu cho bố trí điểm đầu cuối, trung chuyển.

Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích đổi mới phương tiện chất lượng cao cần được thành phố quan tâm, tạo điều kiện ban hành cơ chế chính sách để tạo động lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tiêu chuẩn cao, thân thiện môi trường và triển khai ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới phương tiện nâng  cao chất lượng dịch vụ.

Việc đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực bị hạn chế sử dụng xe máy, ô tô cá nhân sẽ có các tuyến xe buýt nhỏ hoặc xe buýt điện có chức năng gom khách từ các khu dân cư và tuyến đường có mật cắt hẹp ra các tuyến phố chính.

Bổ sung các điểm đỗ xe đạp công  cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ xe buýt.

Với những điều kiện trên cùng với việc thành phố phát động phong trào sử dụng xe buýt trong đội ngũ cán bộ công chức các sở, ban, ngành của thành phố xây dựng hình ảnh đẹp về đội ngũ cán bộ công chức Thủ đô, lan tỏa phong trào bỏ xe máy đi xe buýt đến các tầng lớp nhận dân, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục