Phát triển xe buýt ở Hà Nội - Bài 2: Làm gì để tăng tốc?

15:33' - 03/12/2019
BNEWS Thành phố Hà Nội chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Phát triển giao thông công cộng như mở rộng mạng lưới xe buýt thành phố Hà Nội đang được đẩy mạnh. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Vậy xe buýt Thủ đô phải tăng tốc thế nào để đạt được mục tiêu đề ra?

* Tăng xe, bổ sung dịch vụ tiện ích

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp đã tăng sản lượng vận chuyển hành khách đi lại bằng xe buýt được khoảng 7%/năm. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đề ra, theo Chủ tịch UBND thành phố với số lượng phương tiện xe buýt hiện có như hiện nay chưa “thấm tháp vào đâu” nên thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục tăng thêm số lượng xe; đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy hoạch luồng, tuyến.

Với vai trò tiên phong, chủ lực của thành phố trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt,thời gian qua, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, thu hút người dân đi xe buýt.

Cụ thể, trong 2 năm 2017 – 2018, Tổng công ty đã mở mới 23 tuyến xe buýt; trong đó có 15 tuyến kết  nối các huyện ngoại thành chưa có xe buýt trợ giá với trung tâm thành phố và 8 tuyến xe buýt nhỏ kết nối các khu đô thị, đông dân cư với các trục đường chính. Các tuyến buýt mới mở sản lượng vận chuyển tốt, có sự tăng trưởng qua từng tháng, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu phương tiện cá nhân đi lại từ ngoại thành vào trung tâm thành phố theo các trục chính, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, luồng tuyến và các dịch vụ tuyến xe buýt. Việc điều chỉnh các tuyến dựa trên nguyên tắc phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, gia tăng khả năng tiếp cận và hạn chế việc ùn tắc giao thông đối với nhiều khu vực ùn tắc trọng điểm trên địa bàn.

Việc đổi mới nâng cao chất lượng đoàn phương tiện nhằm đổi mới hình ảnh và khuyến khích thu hút người dân tham gia đi lại nhiều hơn bằng xe buýt cũng được Tổng công ty triển khai hiệu quả. Trong 2 năm 2007 – 2008, Tổng công ty đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư gần 500 xe buýt và năm 2019 tiếp tục đầu tư 150 xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV với màu sơn mới theo loại hình tuyến và theo bộ nhận diện xe buýt của Transerco cùng với nhiều tiện ích đồng bộ như: đèn led đầu, cuối và sườn xe, âm thanh thông báo điểm dừng tích hợp với hệ thống GPS, wifi cho hành khách… Đặc biệt trong số đó có 32 xe buýt mới theo tiêu chuẩn châu Âu với sàn thấp và có thiết kế hỗ trợ người khuyết tật.

Bên cạnh chất lượng mới về phương tiện, việc ứng dụng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong quản lý điều hành nhằm cung cấp dịch vụ tiện ích cho hành khách cũng được tăng cường như: nâng cấp ứng dụng timbuyt đưa lên kho ứng dụng dành cho smartphone góp phần hỗ trợ hành khách tiếp cận dịch vụ xe buýt.

Hiện tại đã có hơn 200.000 người cài đặt phần mềm trên điện thoại, bình quân mỗi ngày có hơn 450.000 lượt truy cập sử dụng phần mềm. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị phát wifi miễn phí và trang bị hệ thống bảng điện tử led hiển thị thông tin tuyến trên xe để tăng cường cung cấp thông tin cho hành khách nhận biết và sử dụng dịch vụ…

Với những giải pháp trên, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt có trợ giá dần đã được khôi phục sau 3 – 4 năm liên tục sụt giảm với mức bình quân gần 10%/năm. Năm 2017 đã chặn được đà sụt giảm với sản lượng vận chuyển đạt 325 triệu lượt hành khách (chiếm trên 83% tổng sản lượng vận chuyển toàn mạng) và tăng trong năm 2018 với sản lượng vận chuyển đạt 348 triệu lượt hành khách, tăng 5% so với năm trước.

* Cần cú hích

GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, từ nay đến năm 2030, Hà Nội vẫn phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân; trong đó vận tải hành khách công cộng xe buýt vẫn đóng vai trò chủ yếu. Theo đó cần tiếp tục phát triển xe buýt theo hướng “Cung cấp dẫn đầu”.

Để xe buýt phát triển, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt như ưu tiên sử dụng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông, lựa chọn một số tuyến đường xây dựng đường dành riêng cho xe buýt để nâng cao tốc độ chạy xe, bảo đảm an toàn cho vận hành xe buýt.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và bổ sung các tuyến xe buýt; tổ chức thêm các điểm trung chuyển để hành khách dễ dàng tiếp cận chuyển tuyến, nối tuyến thuận tiện, đáp ứng mục đích chuyến đi của hành khách và ưu tiên quỹ đất bố trí xây dựng nhà chờ, điểm dừng đỗ, điểm đầu, cuối xe buýt…

Mặt khác, cần đổi mới đoàn phương tiện vận chuyển bằng xe buýt, mua sắm xe hiện đại, chất lượng cao, hình thức đẹp và đa dạng. Khuyến khích người dân đi xe buýt, ưu tiên về giá vé, phát hành vé miễn phí cho các đối tượng chính sách xã hội; gia tăng tiện ích tại các nhà chờ, điểm dừng, điểm đỗ, điểm trung chuyển tạo thuận lợi cho hành khách.

Đặc biệt, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, tổ chức các công trình tiếp cận giao thông công cộng đảm bảo an toàn cho người tham gia…; xây dựng hệ thống thông tin xe buýt qua các thiết bị như điện thoại, máy tính và đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Hơn nữa, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân tham gia giao thông công cộng cũng như văn hóa, văn minh giao thông trên trên xe; đổi mới phương pháp và hình thức tuyên truyền vận động người dân tham gia sử dụng giao thông công cộng đi làm, sinh hoạt văn hóa, du lịch nghỉ ngơi, đi học…;chú trọng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên, sinh viên và học sinh; tuyên truyền tại các cơ quan, công sở, trường học… Nếu có những cơ chế chính sách khuyến khích trên thì mới có thể tạo “cú hích” để xe buýt tăng trưởng đáp ứng mục tiêu thay thế phương tiện cá nhân trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục