Phạt tù 4 bị cáo nguyên là thanh tra giao thông vì bảo kê “xe vua”

17:52' - 20/07/2021
BNEWS Ngày 20/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong đường dây bảo kê logo “xe vua” tại Hà Nội.

Trong đó, 4 bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra giao thông bị Viện Kiểm sát cáo buộc nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng.
Bốn bị cáo thuộc nhóm thứ nhất gồm: Lê Bá Dũng (sinh năm 1974, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hoàng Mai, Hà Nội), Trần Sỹ Cương (sinh năm 1984, nguyên cán bộ Đội Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), Nguyễn Quốc Cương (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hoàng Văn Lân (sinh năm 1963, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Ánh Hào (sinh năm 1981, trú ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lê Văn Cường (sinh năm 1980, nguyên cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6 thuộc Cục Quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Phạm Văn Vinh (sinh năm 1993, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh) bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, để thuận lợi trong việc lưu hành xe tải chở hàng quá tải hoặc vi phạm trong lĩnh vực giao thông nhưng để không bị xử lý hoặc xử lý với lỗi nhỏ hơn lỗi vi phạm, Nguyễn Ánh Hào, Lê Văn Cường đã bàn với Phạm Văn Vinh sử dụng tên Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh do Vinh làm Tổng Giám đốc để thiết kế một loại logo có dòng chữ mang tên “Công ty Tuấn Vinh” (sau đổi thành “An toàn là bạn, tai nạn là thù”) và tìm kiếm, mời các chủ xe ô tô tải (thường chở hàng quá tải trọng cho phép) nộp tiền cho Vinh, Hào để hằng tháng đi “quan hệ” với các cán bộ công tác trong lĩnh vực giao thông đường bộ, để các xe tải khi lưu thông sẽ không bị kiểm tra hoặc được bỏ qua lỗi vi phạm, hoặc xử phạt nhẹ hơn lỗi vi phạm.
Trong ba bị cáo, Hào và Vinh được phân công đi vận động, mời các chủ xe ô tô tải nộp tiền, dán logo để lấy tiền đi “quan hệ” với các cán bộ nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cường có nhiệm vụ khi đi làm nhiệm vụ thanh tra giao thông ở vị trí chốt nào sẽ thông báo cho Vinh, Hào để hai bị cáo báo lại cho các lái xe tránh khu vực, tuyến đường đó.
Bằng cách thức này, trong vòng hơn 2 năm (từ 6/2016 - 10/2018), các bị cáo đã thu được tổng số hơn 6,2 tỷ đồng để thực hiện việc hối lộ. Trong đó, Lê Bá Dũng đã nhận 96 triệu đồng, Nguyễn Quốc Cương nhận 63 triệu đồng, Trần Sỹ Cương nhận 136 triệu đồng, Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu đồng cùng một chai rượu từ Vinh và Hào để bỏ qua hoặc phạt lỗi nhẹ hơn so với thực tế đối với các xe tải có logo của Công ty Tuấn Vinh.
Viện Kiểm sát kết luận, trong vụ án này, Nguyễn Ánh Hào được hưởng lợi 250 triệu đồng, Lê Văn Cường được hưởng lợi 180 triệu đồng, Phạm Văn Vinh được hưởng lợi 140 triệu đồng.
Trong phần xét hỏi, 4 bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra giao thông khai hầu hết có nhận tiền của nhóm môi giới để bỏ qua vi phạm cho các xe có gắn logo nhận diện của nhóm này. Song do thời gian quá lâu, các bị cáo không nhớ rõ nhiều nội dung liên quan như số lần nhận tiền, tổng số tiền hưởng lợi, nội dung thỏa thuận, trao đổi với nhóm môi giới.
Trong số 4 bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra giao thông, bị cáo Trần Sỹ Cương (sinh năm 1984, nguyên cán bộ Đội Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) bị Viện Kiểm sát cáo buộc nhận nhiều tiền hối lộ nhất (136 triệu đồng). Bị cáo Cương cho rằng mình chỉ là "bảo vệ, lái xe, giúp việc" cho tổ công tác, không có thẩm quyền quyết định xử phạt phương tiện. Do đó, khi nhóm môi giới thông báo có xe bị xử phạt, bị cáo chỉ "tác động, nhờ giúp".
Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Trần Sỹ Cương không có chức vụ và quyền hạn để xử lý các vi phạm. Cương chỉ sử dụng số tiền mà các bị cáo khác đưa để trong trường hợp nếu có vi phạm thì lợi dụng mối quan hệ quen biết để xin không xử lý hoặc xử lý nhẹ hơn.

Xác định không có cơ sở để kết tội bị cáo Trần Sỹ Cương về tội “Nhận hối lộ”, Hội đồng xét xử đã quyết định đổi tội danh cho bị cáo Cương từ tội “Nhận hối lộ” sang tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo quy định tại Điều 366, khoản 2, điểm a, b - Bộ luật Hình sự năm 2015. Ba bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra giao thông còn lại bị giữ nguyên tội danh “Nhận hối lộ”.
Bản án sơ thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của các cơ quan nhà nước, phạm tội với động cơ trục lợi cá nhân và đều phạm tội 2 lần trở lên nên cần thiết phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt các bị cáo: Lê Bá Dũng và Nguyễn Quốc Cương đều bị phạt 5 năm tù, Hoàng Văn Lân 3 năm tù về cùng tội “Nhận hối lộ”; Trần Sỹ Cương 3 năm tù về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; Nguyễn Ánh Hào 11 năm tù, Lê Văn Cường 10 năm tù, Phạm Văn Vinh 8 năm tù về cùng tội “Đưa hối lộ”.
Ngoài án phạt tù, 7 bị cáo còn phải nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi do phạm tội mà có.
Hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sai phạm của những cá nhân đang làm việc tại cơ quan công an và có liên quan đến vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm.
Đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử. Hai lần trước là do Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Tòa hoãn xét xử để xác minh thêm chứng cứ không thể làm rõ tại phiên tòa./.

>>Bốn cựu thanh tra giao thông bảo kê logo “xe vua” ở Hà Nội phải ra hầu tòa


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục