Phê duyệt đề án bảo tồn diện tích quýt Hồng hơn 500 ha

08:20' - 29/10/2020
BNEWS UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2024 với diện tích 546,63 ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng.

Bảo tồn vùng trồng quýt Hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt Hồng Lai Vung” tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long. Bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa, phục vụ nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.

Bắt đầu trồng cách đây hơn 50 năm, các nhà vườn chủ yếu nhân giống quýt hồng bằng cách ươm hạt nhưng cây sinh trưởng mạnh chồi ngọn, ít rễ bàn, hay bị gió quật đổ nên chuyển sang chiết cành ra trồng. Phương pháp này thực hiện một thời gian dài đến khoảng các năm 1996 – 2000 thì cây bắt đầu có dấu hiệu chết với triệu chứng vàng lá thối rễ và héo xanh.

Phong trào phát triển diện tích quýt hồng, thâm canh tăng năng suất ở trình độ cao được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài. Lợi nhuận giai đoạn này cao hơn so với giai đoạn năm 2000 trở về trước. Tổng chi phí sản xuất 225 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất 6.923 đồng/kg, giá bán 23.000 đồng/kg cho lợi nhuận đạt tới 523 triệu đồng/ha. Tỷ lệ lợi nhuận này ước khoảng 232%.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; giải pháp về cơ giới hoá sản xuất, kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; giải pháp về sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.

Trước mắt, huyện Lai Vung khắc phục dịch bệnh tại 198,71 ha bởi tại hầu hết các vườn, số cây tốt vẫn còn trên 70%. Tỷ lệ các cây tốt nhân giống được còn khoảng 10 – 20%. Do đó không cần hỗ trợ giống mà khuyến khích người dân tự chiết cành để trồng dặm.

Còn vùng trồng lại sẽ có diện tích 347,92 ha. Thời gian trồng lại dự kiến trong 3 năm, định mức hỗ trợ vật tư trong 2 năm; định mức hỗ trợ giống khoảng 750 cây/ha, hỗ trợ 50% chi phí cây giống.

Để bảo tồn tốt diện tích quýt hồng, Đề án cũng khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ là phân ủ từ rơm rạ với phân bò, có sử dụng nấm đối kháng Trichoderma sp được áp dụng thành công trong 5 mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây có múi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trường Đại học Cần Thơ; hoặc có thể sử dụng một số phân hữu cơ khác có nguồn gốc tương tự được sản xuất từ xác động, thực vật, phân chuồng hoai mục phối trộn với Trichoderma chuyên dụng. 

Ngành hàng quýt hồng từng một thời đóng góp lớn cho GDP của huyện Lai Vung. Do đó, việc xây dựng “Đề án bảo tồn quýt Hồng huyện Lai Vung” là rất cấp thiết góp phần giữ vững diện tích và tăng thu nhập bình quân cho nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục