Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Bình Thuận

22:04' - 29/12/2016
BNEWS Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng; xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia: Trung tâm năng lượng; trung tâm du lịch – thể thao biển; trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan; có đủ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, đồng bộ, liên thông với cả nước; quan hệ sản xuất tiến bộ; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người không thấp hơn bình quân chung của cả nước, môi trường được bảo vệ tốt; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, trật tự xã hội được giữ vững.

Bình Thuận phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân 7,0 - 7,5%/năm, trong đó: Nông - lâm - thủy sản tăng 3,3 - 3,8%, Công nghiệp - xây dựng tăng 9,0 - 9,5%, Dịch vụ tăng 8,2 - 8,7%.

Tầm nhìn giai đoạn 2021 - 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân 7,2 - 7,5%/năm, trong đó: Nông - lâm - thủy sản tăng 2,8 - 3,0 %, Công nghiệp - xây dựng tăng 10,0 - 11,5%, Dịch vụ tăng 6,2 - 6,4%; phấn đấu GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.100 - 3.200 USD, đến năm 2030 đạt 8.200 - 8.500 USD.

Theo định hướng, Bình Thuận sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp, chú trọng đúng mức phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản; tập trung phát triển công nghiệp điện năng, công nghiệp chế biến sâu quặng sa khoáng titan; phấn đấu đến năm 2020, có tỷ trọng công nghiệp chiếm 70% tổng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng, đến năm 2030 chiếm khoảng 80%.

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển mạnh các nhóm ngành sản phẩm: Năng lượng, chế biến nông - lâm - thủy sản; chế biến sâu sa khoáng; cơ khí, điện tử, đóng - sửa chữa tàu, thuyền đánh bắt hải sản; sản xuất nước khoáng, nước giải khát, sợi, dệt, may, giày dép; các ngành công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa gắn với đầu tư đổi mới công nghệ tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác kinh tế quốc tế nhằm củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới phục vụ xuất khẩu...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục