Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020

05:00' - 24/08/2019
BNEWS Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước trong phạm vi cả nước năm 2020 sẽ là 251.135 biên chế.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1066/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước là 251.135 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập: 108.368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: 142.767 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.

Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức nêu trên; giao biên chế công chức đối với từng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tổng số biên chế công chức quy định nêu trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định nêu trên.

Các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định./.

Xem thêm:

>>Sắp xếp, luân chuyển cán bộ, công chức để phòng ngừa “tham nhũng vặt”

>>Thủ tướng: Tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục