Phía sau cú xô đổ mọi kỷ lục của "kỳ lân" công nghệ VNG

11:13' - 25/02/2023
BNEWS Xô đổ mọi kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mã VNZ của Công ty Cổ phần VNG vừa trở thành cổ phiếu đầu tiên vượt trên 1 triệu đồng. Nhờ đâu, "kỳ lân" VNG có thể vụt sáng ấn tượng đến vậy?

* Xô đổ mọi kỷ lục

Cổ phiếu VNZ của "kỳ lân" công nghệ VNG lần đầu niêm yết trên sàn UPCoM vào ngày 5/1/2023 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Trong suốt nhiều phiên sau đó, VNZ không có thanh khoản. 

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên đã có mã cổ phiếu vượt trên 1 triệu đồng khi VNZ ghi nhận chuỗi tăng trần liên tiếp. Từ ngày 31/1 đến ngày 15/2, giá trị cổ phiếu VNZ tăng gấp 5,7 lần từ mức 240.000 đồng lên 1.358.700 đồng/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm lên tới 1.562.500 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu giảm trong phiên 16/2. Sau đó cổ phiếu này có những phiên giảm sàn liên tiếp.

Cũng như nhiều cổ phiếu lên như diều gặp gió khác, khối lượng giao dịch của VNZ khá khiêm tốn, trung bình chỉ hơn 1.100 cổ phiếu mỗi phiên. 

 

VNZ cũng phá kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC - cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Bình Định (Bimico) từ năm 2007 là 847.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, VNZ cũng là cái tên đầu tiên trong lịch sử có một phiên tăng trên 130.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá của hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Giải trình sau nhiều phiên tăng liên tục, VNG cho biết giá cổ phiếu tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của các nhà đầu tư. VNG không có bất kỳ can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua và hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

* Con đường trở thành "kỳ lân"

Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và "kỳ lân" tiên phong của Việt Nam chính thức xuất hiện từ đó. Đây là một cột mốc đáng nhớ cho giới khởi nghiệp khi Việt Nam lần đầu tiên có kỳ lân công nghệ. 

Trở lại 10 năm trước đó, VNG khởi đầu là một nhà phát triển và phát hành trò chơi trực tuyến có tên là Vinagame, được ông Lê Hồng Minh, một người đã từng được đào tạo ở Australia thành lập vào năm 2004. 

Thời điểm đó, các game như Counterstrike, Red Alert, Starcraft, Warcraft, MU Global... rất phổ biến trong các quán cà phê internet ở Việt Nam, song lại chỉ có ngôn ngữ tiếng Anh. Với đam mê mãnh liệt dành cho các trò chơi trên máy tính, ông Minh đã tìm mọi cơ hội để đàm phán nhượng quyền trò chơi.

Sau thất bại của cuộc đàm phán với đối tác Hàn Quốc về phát hành MU Global bằng tiếng Việt, ông Minh đã chuyển hướng, đến Trung Quốc để gặp Kingsoft, một công ty phần mềm Trung Quốc, có trò chơi rất nổi tiếng là Swordsman Online với hy vọng có thể thuyết phục nhượng quyền. Và lần này, ông đã thành công.

Swordsman Online (Võ Lâm Truyền Kỳ) có 1 triệu người chơi sau một thời gian ngắn sau khi phát hành ở Việt Nam vào năm 2005. Thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ đưa VNG vào hàng nhà phát hành game lớn tại Việt Nam. Năm 2018, VNG ước tính có khoảng 35% thị phần game PC và 50% thị phần game di động tại Việt Nam.

Cùng Garena (SEA) và Gamota (Appota), VNG liên tục có mặt trong top 3 nhà phát hành game lớn nhất Việt Nam. 

Bên cạnh mảng kinh doanh game, VNG cũng lấn sân sang nhiều mảng công nghệ tiên tiến khác như ra đời trang thương mại điện tử 123mua.vn (sau này bán lại cho FPT), mạng xã hội Zing Me, nền tảng nhạc số Zing MP3, ứng dụng gửi tin nhắn gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay… Vinagame sau đó cũng đổi tên thành VNG.

Đáng chú ý, ứng dụng nhắn tin Zalo sau 8 năm ra mắt, đã vượt qua Facebook Messenger của Meta tại Việt Nam vào năm 2020 và đã có hơn 74 triệu người dùng tại thị trường trong nước, nơi ứng dụng này được sử dụng để trò chuyện, mua sắm, gửi tiền và thanh toán hóa đơn.

VNG được quỹ góp vốn đầu tư Temasek của cơ quan chính phủ Singapore định giá 2,2 tỷ USD vào năm 2019. Sang tới năm 2021, Công ty quản lý quỹ Mirae Asset chi mua cổ phần VNG với giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu.

* Kinh doanh không như kỳ vọng

Trong khi giá cổ phiếu chào sàn cao ngất, liên tục tăng trần và xô đổ mọi kỷ lục trên sàn chứng khoán Việt Nam thì kết quả kinh doanh của VNG lại không mấy khả quan. 

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022,lỗ lũy kế trước thuế trong năm 2022 của VNG là 943 tỷ đồng, lỗ luỹ kế sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng và là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này. Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ luỹ kế hơn 858 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG và là năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút.

Doanh thu thuần của VNG trong quý IV tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ; doanh thu cả năm đạt hơn 7.800 tỷ đồng; lợi nhuận gộp cả năm đạt 3.460 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí khiến cho VNG lỗ đậm.

Trong năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone ghi nhận lãi trong năm. Tính đến hết năm 2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2, cổ phiếu VNZ giảm 62.100 đồng (tương ứng giảm 6,52% so với phiên giao dịch liền kề), xuống mức 890.000 đồng/cổ phiếu. Tính chung trong tuần qua, cổ phiếu VNZ đã giảm 27,7% giá trị.

Cú “lao dốc” bất ngờ của VNZ khiến loạt cổ đông sở hữu cổ phiếu đắt đỏ này cũng bị giảm hơn 43% giá trị tài sản so với mức giá đỉnh. Cụ thể, tài sản của cổ đông lớn nhất là Công ty VNG Limited với 17.563.688 cổ phiếu sở hữu đã “bốc hơi” hơn 11.800 tỷ đồng; ông Lê Hồng Minh, cổ đông lớn thứ 2 với 3.535.837 cổ phiếu sở hữu cũng mất tới gần 2.400 tỷ đồng.

* Giấc mơ Mỹ

Công ty cổ phần VNG đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu VNZ trên sàn Upcom từ ngày 5/1/2023, trong đó 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là động thái thường được các công ty sử dụng để kiểm tra phản ứng của thị trường chứng khoán trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chính thức. VNG cũng được cho là đang để mắt đến việc niêm yết tại Mỹ.

Theo Nikkei Asia, Công ty Cổ phần VNG - “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam - đã nổi lên như một trong những công ty được theo dõi nhiều nhất ở Việt Nam. Đây chính là lý do vì sao Nikkei Asia liệt kê công ty này trong danh sách 10 công ty đáng lưu tâm ở châu Á trong năm 2023.

Theo Nikkei Asia, hiện nay, VNG đang muốn đẩy nhanh việc mở rộng hoạt động ra quốc tế, và việc ra mắt thị trường Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực này.

Trước đó, năm 2017, VNG ký biên bản ghi nhớ để niêm yết trên sàn NASDAQ của Mỹ. Dù vậy, kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hoá. Trung tuần tháng 8/2022, Bloomberg đưa tin VNG đang cân nhắc sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC).

Bloomberg nói rằng VNG đang làm việc với các đối tác tư vấn tài chính để tìm kiếm các cơ hội sáp nhập có thể đưa định giá của VNG lên mốc 2 tỷ USD đến 3 tỷ USD. Dù vậy, các thảo luận hiện vẫn chưa được chốt và VNG hoàn toàn có thể lựa chọn các phương án gọi vốn khác.

VNG có nhiều điểm tương đồng với Sea Group - công ty game và thương mại điện tử của Singapore. Được sáng lập bởi Forrest Li - một người nghiện game, Sea cũng xuất phát điểm từ công ty phát hành game sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như thương mại điện tử và thanh toán online. Công ty này đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2017 và hiện có giá trị vốn hóa hơn 166 tỷ USD.

Thông tin VNG dự kiến IPO tại Mỹ khiến nhiều người kỳ vọng kỳ lân của Việt Nam có thể trở thành "ngôi sao" công nghệ của khu vực như cách Sea đã làm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục