Shein - Hiện tượng của ngành thời trang toàn cầu

09:58' - 04/02/2023
BNEWS Shein có thể tương đối xa lạ đối với những người trên 30 tuổi, nhưng với những người mua sắm thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), Shein hiện là cái tên phổ biến nhất.

Được thành lập vào năm 2008 tại Trung Quốc, Shein hoạt động với mô hình sản xuất nội địa và ưu tiên bán hàng ra nước ngoài, chủ yếu là thông qua môi trường trực tuyến.

Trong vài năm qua, startup Shein của Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng khi làn sóng thời trang nhanh lên ngôi. Điều này đã giúp giá trị vốn hóa thị trường Shein vượt cả những ông lớn như Zara và Uniqlo.

* Hiện tượng của ngành thời trang nhanh toàn cầu

Shein được thành lập vào năm 2008 bởi doanh nhân người Trung Quốc Chris Xu, một chuyên gia về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm). Trước đó, Chris Xu đã kinh doanh váy cưới trực tuyến với ba người đang là giám đốc điều hành hàng đầu của Shein, sau đó ông bỏ kinh doanh váy cưới để tập trung vào trang phục nữ với thương hiệu ban đầu có tên là SheInside.

SheInside được đổi tên thành Shein vào năm 2015, vì ông cho rằng cần một cái tên đơn giản hơn, dễ tìm thấy hơn trên mạng. Đó là khoảng thời gian công việc kinh doanh thực sự bắt đầu cất cánh và Shein nổi lên là một nhà bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Nhà bán lẻ Shein có thể tương đối xa lạ đối với những người trên 30 tuổi, nhưng với những người mua sắm thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), Shein hiện là cái tên phổ biến nhất.

Shein kiếm được 15,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng 60% so với năm 2020. Ứng dụng của Shein đã được tải xuống nhiều gấp đôi so với ứng dụng của Amazon vào năm 2021, khiến Shein trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất thế giới.

Thương hiệu Shein có trên 26 triệu người theo dõi trên Facebook và 24 triệu người theo dõi trên Instagram.

Năm 2018, giá trị của Shein là 2,5 tỷ USD. Một năm sau, con số này đã tăng gấp đôi. Vòng tài trợ vào tháng 04/2022, thương hiệu thời trang nhanh này được định giá ở 100 tỷ USD, cao hơn cả Hennes & Mauritz AB và công ty đứng sau Zara cộng lại.

Thành công của Shein đã mang lại mức lợi nhuận lớn cho những người ủng hộ sớm bao gồm Sequoia China và IDG Capital. Nhưng ít người được hưởng lợi nhiều như Tiger Global. Công ty có trụ sở tại New York này đã đầu tư 72 triệu USD vào Shein trong các vòng gọi vốn ban đầu vào năm 2018 để mua 2,7% cổ phần, theo một tài liệu được Bloomberg thu thập được. Giá trị khoản đầu tư đó giờ đã tăng hơn 20 lần.

Tiger Global thậm chí rót nhiều tiền và Shein vẫn là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của công ty trong bối cảnh môi trường khắc nghiệt đối với các công ty công nghệ tư nhân.

 

* Cách Shein vượt mặt các đối thủ

Công ty khởi nghiệp này đã gây bão thế giới khi tung ra hàng nghìn sản phẩm mới mỗi ngày có thể mua được với giá cả phải chăng. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của Shein là chuỗi cung ứng vượt trội và cách tiếp thị khéo léo của công ty.

Kinh nghiệm của những người sáng lập trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến chính là chìa khóa thành công của Shein. Thông qua dữ liệu thời gian thực và thuật toán, Shein xác định các mặt hàng bán chạy và điều chỉnh quy trình sản xuất để duy trì tốc độ luân chuyển hàng tồn kho và giao hàng nhanh chóng.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tăng trưởng của Shein khi giới trẻ bị mắc kẹt ở nhà và ngân sách hạn chế khiến họ chuyển sang các dịch vụ trực tuyến cực rẻ của công ty. Hơn một nửa số khách hàng của Shein thuộc Gen Z, những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010.

Shein cung cấp nhiều loại sản phẩm dưới 10 USD và các nhà cung cấp cần giao các thiết kế mới trong khoảng 10 ngày, nhanh hơn cả Zara với khoảng thời gian ba tuần.

Shein thu hút khách hàng trên khắp châu Âu và Mỹ, là những thị trường chủ đạo của hãng, bằng các video có tính lan truyền, trong đó những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội mô hình hóa “tủ quần áo trong mơ” với những món đồ có giá khởi điểm là 3 USD. Các video lan truyền khắp TikTok và YouTube trong mỗi mùa mua sắm lớn, và Shein đã phát hành hàng ngàn mặt hàng mỗi tuần. Công ty tìm cách xuất hiện ở các buổi hòa nhạc ảo do những người nổi tiếng tổ chức.

Bên cạnh đó, tốc độ là một phần trong chiến lược thành công của Shein. Công ty này rút ngắn thời gian thiết kế một loại quần áo mới sang sản xuất hàng loạt từ 1 – 2 tuần giống công ty thời trang ăn liền như Zara xuống chỉ còn 5 – 7 ngày. 

Nhà bán lẻ này có một đội quân khoảng 4.000 các nhà cung cấp nhỏ tại trung tâm sản xuất Quảng Châu ở Trung Quốc. Theo tạp chí Public Eye, tất cả các nhà cung cấp này đều được tích hợp vào phần mềm của Shein, để các đơn đặt hàng được phân phối tự động giữa các nhà cung cấp. Nhờ đó, Shein đáp ứng các xu hướng một cách nhanh bất thường và các sản phẩm sẽ được sản xuất và phân phối chỉ trong một tuần.

Theo The Economist, Shein đang bán hàng tại hơn 150 quốc gia mà Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm từ 35 đến 40% doanh số bán hàng và thị trường lớn tiếp theo là châu Âu.

Giá thấp chắc chắn đóng một vai trò lớn trong thành công của Shein ở nước ngoài. Những lỗ hổng về thuế đã giúp Shein giữ giá thấp.

Mặc dù sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc nhưng Shein không bán hàng ở đây, giúp tập đoàn được miễn thuế VAT và thuế tiêu dùng của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc trả thuế doanh nghiệp thấp hơn.

Trong khi đó, Shein giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thay vì đến các trung tâm phân phối như hầu hết các nhà bán lẻ lớn vẫn làm. Điều đó có nghĩa là nhà bán lẻ này không phải chịu khoản thuế nhập khẩu nào ở Mỹ hay Anh vì các gói hàng có giá trị thấp như vậy.

Sự lớn mạnh của Shein có thể thấy qua các con số ấn tượng. Ứng dụng Shein đã đạt 229,4 triệu lượt tải xuống, so với con số 123,5 triệu của H&M và 90,6 triệu của Zara. Tại Philippines và Malaysia, Shein lần lượt đứng thứ 3 và thứ 5 trong số các ứng dụng mua sắm có nhiều người dùng hoạt động nhất trong 11 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Shein cũng là ứng dụng mua sắm được tải về nhiều thứ 4 tại Thái Lan.

Với định hướng này, Shein thực sự trở thành một thế lực mới cạnh tranh với Shopee, Lazada, hay thậm chí là TikTok, bất chấp các sàn thương mại điện tử nói trên cung cấp đa dạng hơn về mặt sản phẩm.

Nhất là trong bối cảnh, một báo cáo gần đây cho rằng Shein có thể sẽ sớm chuyển đổi sang mô hình sàn thương mại điện tử tương tự Amazon thay vì định vị là công ty thời trang kỹ thuật số. Điều này đồng nghĩa, Shein có thể bán cả các thương hiệu bên thứ ba.

Điều này không chỉ giúp Shein có thêm khách hàng, mà còn giúp bổ sung danh mục sản phẩm mà công ty còn thiếu so với Shopee, Lazada, TikTok.

Theo Bloomberg, Shein đang lên kế hoạch đạt tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) đạt 20 tỷ USD trong năm 2023, thu hẹp khoảng cách với các thương hiệu lớn như H&M và Zara.

* Cái giá phải trả

Mặc dù vậy, việc định hướng là một thương hiệu thời trang nhanh cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Shein. Ngành thời trang nhanh thường bị chỉ trích vì lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, và Shein được coi là một trong những công ty vi phạm nhiều nhất. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề. Rất nhiều đơn khiếu nại về quần áo kém chất lượng đã được gửi đến Shein.

Trong thời gian gần đây, Shein cũng vướng phải nghi vấn về bóc lột công nhân. Tài liệu của truyền hình Channel 4 (Vương quốc Anh) được công bố tháng 10/2022 đã tiết lộ rằng nhân viên của Shein phải làm việc tới 18 giờ mỗi ngày và chỉ được nghỉ một ngày mỗi tháng trong những nhà xưởng tồi tàn.

Trong một tuyên bố, Shein trả lời rằng họ đang làm việc với các nhà máy sản xuất để cải thiện điều kiện làm việc. Sau đó, một số nhà máy là đối tác của Shein cho biết họ đã đưa ra một số thay đổi để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, Shein cũng khẳng định chiến lược sản xuất mục tiêu của họ là giảm chất thải và cải thiện tính bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục