Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc tại Hà Giang

18:21' - 22/08/2019
BNEWS Ngày 22/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn dầu Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Hà Giang.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác Quốc hội, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế của tỉnh Hà Giang đã có mức tăng trưởng khá, trung bình từ 6 – 7%/năm.

Tỉnh đã phát huy nội lực và lồng ghép sử dụng các nguồn lực; khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Trung ương để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị.

Bước đầu, Hà Giang đã thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hà Giang đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sự chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tác động tích cực làm thay đổi mô hình, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thu nhập và đời sống của người dân dần được cải thiện. An ninh-quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được ổn định.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã nhấn mạnh: Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện địa lý tự nhiên. Tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Đặng Quốc Khánh đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh triển khai xây dựng tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; bố trí kinh phí cho Hà Giang tiếp tục đầu tư các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bố trí vốn đầu tư “hồ treo” đáp ứng nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số 4 huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn và hỗ trợ nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; hỗ trợ rà phá bom mìn trên tuyến biên giới, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ…

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Hà Giang đạt được trong những năm qua. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, Hà Giang có trên 274 km đường biên giới gắn với hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) - đây là một cánh cửa mở ra thị trường tiêu thụ với hơn 100 triệu dân. Hà Giang có nguồn lao động dồi dào, tài nguyên khoáng sản phong phú, đồng bào các dân tộc Hà Giang đoàn kết, có chung khát vọng vươn lên, sức sống mãnh liệt "sống trên đá, chết vùi trong đá"...

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác thăm Dinh thự Nhà Vương tại xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn). Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những khó khăn của Hà Giang như: Giao thông khó khăn, thiếu nước sinh hoạt; mất cân đối giữa nhu cầu phát triển địa phương và hỗ trợ của Trung ương; mất cân đối về lao động có tay nghề cao; cách thức tổ chức sản xuất, phương thức sản xuất còn manh mún, chưa tạo ra được thương hiệu và khối lượng hàng hóa lớn, chưa có sản phẩm mang dấu ấn riêng của Hà Giang…

Chung vui trước kết quả đạt được, đồng tình với những khó khăn, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra của tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang nên chọn cách đi cho riêng mình, có thể lựa chọn “3 tập trung, 3 đột phá và 6 giải pháp”.

Trong đó, 3 tập trung là: Coi phát triển nông, lâm nghiệp là mũi nhọn, xương sống nền kinh tế; Phát triển dịch vụ, xây dựng chính sách biên mậu mềm dẻo, uyển chuyển phù hợp các chính sách của các địa phương của nước bạn; Phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, văn hóa lịch sử, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp phục vụ nông nghiệp và nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp và du lịch.

Ba đột phá là: Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin và điện khí hóa; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; Đào tạo nguồn nhân lực ngay từ giáo dục phổ thông đến đào tạo nghề chất lượng cao.

Sáu giải pháp gồm: Đổi mới tư duy, cách nghĩ và cách làm, từ khâu lãnh, chỉ đạo đến đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất; Tập trung công tác quy hoạch nhưng đảm bảo có tính kế thừa và tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hợp lý nhất là đất đai, thủ tục hành chính; Xây dựng và giữ gìn truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể; Phát triển gắn với sự hài hòa về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ, chú trọng tới đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Với các kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các thành viên Đoàn công tác Quốc hội cần phối hợp với các Bộ, ngành, Chính phủ, đề xuất Quốc hội phân bổ các nguồn ưu tiên giải quyết nguy cơ sạt lở di dãn dân ở thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần); xử lý 1.762 ha đất có bom mìn và quy tập hài cốt liệt sỹ trên tuyến biên giới; hoàn thiện nâng cấp Quốc lộ 279; đầu tư hồ treo vùng Cao nguyên đá…

Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác cũng đã dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên của Tỉnh ủy Hà Giang; thăm Đồn Biên phòng Lũng Cú (huyện Đồng Văn); thực hiện nghi lễ chào cờ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trân trọng nhận lá cờ Tổ quốc do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú gửi tặng.

Cũng trong chuyến công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác đã đến thăm Dinh thự Nhà Vương tại xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn); khảo sát khu vực di tích Cổng thành Lao Và Chải thuộc xã Lao Và Chải (huyện Yên Minh); tham quan điểm dừng chân Cổng trời Quản Bạ và khảo sát khu vực địa chất Thạch Sơn Thần thuộc xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ).

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; Đài hương 468 ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên); khảo sát một số mô hình phát triển kinh tế của huyện Vị Xuyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục