Phổ điểm kỳ thi THPT phân bố đều, các trường đại học tốp trên dễ tuyển sinh

19:55' - 26/07/2016
BNEWS Kết quả kỳ thi THPT năm nay có phổ điểm tương đối đều, giúp các trường đại học tốp trên dễ tuyển sinh hơn do không cần sử dụng đến tiêu chí phụ.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa (ngày 1/8), thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. Ảnh: TTXVN

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga về phổ điểm cũng như những điểm mới trong công tác xét tuyển năm nay.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phổ điểm thi các môn của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về phổ điểm này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nhìn vào bảng phân tích phổ điểm thi năm nay, phổ điểm khối A, A1, B hơi nghiêng về phía tay phải, điều này cho thấy số lượng thí sinh đạt điểm cao và trên trung bình lớn hơn năm ngoái.

Phổ điểm phân bố cũng rất đều, tuy không nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Với phổ điểm này, các trường tốp trên sẽ dễ dàng tuyển sinh hơn năm 2015 vì không cần sử dụng đến các tiêu chí phụ.

Đối với phổ điểm thi khối D, kết quả năm nay cũng tương đương năm trước, điểm trung bình tuy thấp nhưng số lượng thí sinh thi đông vì xét ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều là ba môn thi bắt buộc. Khi các trường xét tuyển, với mức điểm cao hơn mức trung bình thì số lượng thí sinh vẫn rất đông, không ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường.

Bên cạnh việc công bố phổ điểm, ngày 28/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp, phân tích tổng chỉ tiêu và kết quả điểm để đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, làm căn cứ để các trường xét tuyển.

Phóng viên: Về công tác xét tuyển, năm nay sẽ có những điểm nào mới nhằm khắc phục những tồn tại của năm 2015, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rút kinh nghiệm những vấn đề còn bất cập trong công tác tuyển sinh năm 2015, năm nay thí sinh chỉ có thể nộp hồ sơ và không thể thay đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển.

Bù lại, Bộ cho các em có nhiều nguyện vọng hơn: Đợt 1, các em nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng; đợt tiếp theo các em được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.

Có hai thông tin bổ ích mà thí sinh có thể tham khảo để đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đó là thông tin về điểm chuẩn vào các ngành/trường năm 2015 và thông tin về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố.

Khi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thay đổi có nghĩa là điểm chuẩn vào các ngành, các trường cũng sẽ thay đổi theo, các em nên theo dõi hai thông số này để đưa ra những lựa chọn phù hợp.

Phóng viên: Những thay đổi này sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho công tác xét tuyển, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi rất căn bản để đảm bảo xét tuyển thuận lợi nhất đối với thí sinh và nhà trường.

Năm nay thí sinh chỉ có thể nộp hồ sơ vào một trường đại học và không thể thay đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển. Ảnh: TTXVN

Hiện tại, khả năng xảy ra khó khăn với nhà trường là thí sinh ảo, bởi Bộ cho thí sinh nộp đợt đầu tiên 4 nguyện vọng nên sẽ xảy ra ảo. Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã tính toán đến một số giải pháp:

Thứ nhất là cho các trường xét tuyển theo nhóm (Nhóm GX do trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và Nhóm Đại học Đà Nẵng).

Thứ hai, quan trọng hơn là sau khi trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh sẽ nộp giấy chứng nhận kết quả thi trong thời gian quy định để khẳng định là các em sẽ nhập học trường mà mình đã trúng tuyển. Quá thời hạn đó có nghĩa là các em không muốn nhập học ở trường này và như vậy trường sẽ gọi đợt nhập học bổ sung.

Thứ ba, năm nay, Bộ không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn hoặc bằng điểm đợt trước, giúp cho các trường quyết định được số lượng thí sinh trúng tuyển mỗi đợt phù hợp, không vượt quá hoặc thiệt thòi chỉ tiêu của các trường.

Phóng viên: Vậy Bộ đã chuẩn bị hệ thống cơ sở hạ tầng như thế nào về công nghệ thông tin để các thí sinh đăng ký xét tuyển không gặp những sự cố về kỹ thuật hay nghẽn mạng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay, Bộ đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Viettel để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Rất nhiều máy chủ được đặt ở các miền khác nhau, những trường có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ có những máy chủ riêng nhằm phân tán lượng truy cập để tránh việc quá tải cục bộ.

Việc đăng ký trực tuyến cũng hết sức đơn giản, không thực hiện quá nhiều thao tác kiểm tra trong quá trình đăng ký, không mất nhiều thời gian khi làm thủ tục xét tuyển online vào các ngành, các trường.

Với những giải pháp kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa phần mềm xét tuyển, hy vọng năm nay là năm đầu tiên các thí sinh đăng ký trực tuyến sẽ diễn ra suôn sẻ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục