Phổ điểm thi phân hóa tốt: Các trường đại học thuận lợi trong tuyển sinh

11:43' - 12/07/2018
BNEWS Các chuyên gia đều cho rằng phổ điểm thi đảm bảo độ phân hóa tốt, thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, điểm chuẩn của nhiều trường sẽ giảm so với năm 2017.
Các trường đại học thuận lợi trong tuyển sinh. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, các chuyên gia và lãnh đạo nhiều trường đại học đã có nhận định tích cực. Các chuyên gia đều cho rằng phổ điểm thi đảm bảo độ phân hóa tốt, thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, điểm chuẩn của nhiều trường sẽ giảm so với năm 2017 do tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi không nhiều. 

*Trường tốp trên không cần dùng tiêu chí phụ 

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Phổ điểm các môn thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cho thấy, đề thi năm nay có độ phân hóa tốt. Vùng điểm cao có rất ít thí sinh. Đại bộ phận điểm thi các môn tập trung trong khoảng 4-6 điểm, trừ các môn Lịch sử và Ngoại ngữ. Từ điểm trung bình trở lên, điểm thi phân hóa rõ rệt, tạo thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Có thể nói, ban đề thi đã có nhiều cố gắng để thực hiện được mục tiêu của kỳ thi, lấy kết quả để xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Ga nhận định: Với kết quả này, năm nay, các trường tốp trên sẽ tuyển sinh thuận lợi, không cần dùng đến tiêu chí phụ. Tuy nhiên, do khu vực điểm cao có rất ít thí sinh nên đường cong phổ điểm dốc mạnh. Điều này có nghĩa là, chỉ cần tăng, giảm 0,25 điểm thì số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ thay đổi lớn. Nếu năm 2017, các trường tốp trên phải sử dụng đến tiêu chí phụ để xét tuyển thì năm nay, các trường tốp giữa có lẽ phải thực hiện giải pháp này để đảm bảo tuyển không vượt chỉ tiêu đã đăng ký. 

Năm nay số thí sinh điểm cao từ 28 điểm trở lên thấp hơn rất nhiều so với năm trước. Mặt khác, điểm ưu tiên năm nay cũng được điều chỉnh giảm nên điểm đầu vào của các trường tốp trên sẽ thấp hơn so với năm 2017. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý Giáo dục (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng: So với năm 2017, năm nay, điểm thi có tính phân hóa tốt hơn, phổ điểm tiệm cận đến phân phối chuẩn. Điều này sẽ thuận lợi cho việc xét tuyển đại học. Cùng với một số thay đổi về kỹ thuật như: điểm làm tròn đến 2 số thập phân, điểm ưu tiên giảm 50%... cộng với kết quả điểm thi như năm nay, điểm chuẩn của các trường sẽ giảm, dự đoán giảm từ 1-3 điểm tùy theo từng ngành. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu phân tích: Phổ điểm năm nay phân bố chuẩn hơn năm ngoái, tính hội tụ giữa 3 tham số: điểm trung bình, trung vị và điểm có nhiều thí sinh đạt nhất, độ dốc của phổ điểm mạnh hơn. Đây được hiểu là điểm từ 8 trở lên có xu hướng giảm mạnh. Điều này là tốt vì mức điểm đã đi về với thời kỳ thi “ba chung” trước đây và năm 2016, tức là phân loại thí sinh tốt hơn, đánh giá thí sinh tốt hơn. Mặt khác, điểm giảm hơn so với năm trước không có nghĩa là chất lượng thí sinh năm nay kém hơn. Vì năm nay đề có tính phân hóa cao hơn nên điểm thi thấp hơn là chuyện bình thường. Trước đây, giữa điểm 8 và điểm 10, chúng ta khó phân biệt em nào giỏi hơn; hoặc hai em đạt điểm 10 nhưng trên thực tế, học lực có thể chênh lệch nhau. Với đề thi như năm nay, em nào giỏi thực thì em đó được 10. Năm nay, điểm 8 - 9 có thể tương đương với điểm 10 của năm trước. 

Về việc các trường sẽ dựa vào cơ sở nào để tuyển sinh nếu phổ điểm thấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu cho rằng, điểm tuy giảm nhưng điểm trung bình vẫn nằm trong khoảng 5-6, đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh nếu các trường lấy điểm từ trung bình trở lên. Càng lên cao, tính phân loại càng mạnh, việc chênh lệch 0,1- 0,2 đã là một khoảng cách, vì thế các trường không có gì đáng lo. 

*Điểm chuẩn các trường sẽ giảm 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm nay, đề khó hơn nhằm đảm bảo độ phân hóa tốt hơn; muốn tạo sự phân hóa thì mức độ khó phải tăng dần, điều này khiến nhiều người lo ngại về điểm thi thấp. Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm, có thể thấy, đề thi năm nay có khả năng phân hóa khá tốt, các điểm đỉnh nằm chủ yếu ở điểm 6-7, trừ Lịch sử, Ngoại ngữ; tỷ lệ điểm giỏi 8,9,10 khá ít. Với phổ điểm như vậy, các trường đại học thuận lợi trong công tác xét tuyển. 

Ông Trần Văn Tớp chia sẻ: Với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mối quan tâm của nhà trường là phổ điểm của tổ hợp các môn xét tuyển. Hiện nay, trường đang xem xét các tổ hợp xét tuyển, tập trung ở khối A0 và A1. Theo phân tích sơ bộ, số thí sinh có mức điểm 24-25 điểm trở lên giảm khá nhanh so với số thí sinh 18-19 điểm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường, chắc chắn, ngưỡng xét tuyển sẽ giảm và điểm trúng tuyển cũng sẽ giảm. Dự kiến, trước ngày 14/7, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hoàn thành việc tính toán và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng nhóm ngành. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Lập, chuyên gia cao cấp Học viện Bưu chính Viễn thông: Năm nay, điểm thi tất cả các môn đều giảm nên điểm các tổ hợp xét tuyển cũng sẽ giảm. Dự kiến, điểm chuẩn của các trường sẽ thấp hơn năm 2017, mức giảm sẽ từ 1-2 điểm, tùy từng khối và từng ngành đào tạo. Học viện Bưu chính Viễn thông năm nay tuyển sinh các khối A, D, A1, với cùng một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả các khối. Điểm chuẩn dự kiến giảm từ 0,5- 2 điểm, tùy theo từng ngành. 

Ông Lê Hữu Lập nhận định: Năm 2017, nhiều thí sinh đạt điểm cao và đều nhau, khoảng cách giữa các điểm ít nên các trường khó khăn trong phân loại, xét tuyển, phải đưa thêm một số tiêu chí phụ khi tuyển sinh. Năm nay, với sự phân hóa tốt, việc tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục