Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Không tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Trước tình hình một số mặt hàng quan trọng, thiếu yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào nông nghiệp, cước phí vận tải, giá các dịch vụ thiết bị vật tư y tế, giáo dục có khả năng tăng lên, chiều 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với một số bộ, ngành về kết quả công tác điều hành giá các mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm và định hướng từ nay đến cuối năm 2022.
Mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong bối cảnh giá các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược tăng cao trên thị trường thế giới, gây sức ép đến tình hình lạm phát trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017- 2020. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng thực phẩm giảm trong đó có thịt lợn; giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính đánh giá, trước những diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung nên công tác quản lý điều hành giá các mặt hàng thiết yếu đến cuối năm dự báo sẽ có nhiều áp lực. Là một nền kinh tế với độ mở lớn, việc giá hàng hóa thế giới tăng đã và sẽ tiếp tục gây sức ép lên mặt bằng giá chung trong nước cũng như một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, từ đầu năm đến nay, nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt mặc dù Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có trục trặc phải giảm công suất, có thời gian phải ngừng sản xuất. Do sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên so với đầu năm, đến nay giá chỉ tăng 24,42 – 62,44%, chúng ta điều hành theo giá của thế giới xu hướng tăng nhưng mức tăng thấp hơn so với giá tăng của thế giới. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, phải cân nhắc, hạn chế việc tăng giá cùng một lúc những mặt hàng cấp thiết, trong khi giá xăng dầu không hoàn toàn kiểm soát được, phải dựa vào thị trường thế giới. Mặt hàng xăng dầu đang cố gắng sử dụng Quỹ bình ổn giá, nhưng quỹ này đang rất hạn chế, không thể quá lạm dụng. Để giá giảm nhiều, không tương xứng với thế giới sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khi doanh nghiệp đầu mối nhập cao bán thấp, hạn chế bán ra và ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân. Ông Hải đề xuất rà soát giảm thêm các loại thuế, trong đó thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế nằm trong cơ cấu tính giá xăng dầu: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá gia tăng để giảm chi phí giá thành xăng dầu, hỗ trợ đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm có báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, để Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu những tháng cuối năm. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Bộ Công Thương điều hành linh hoạt Quỹ bình ổn giá để điều tiết phù hợp với từng thời điểm. Thời gian tới, áp lực giá tăng cao, nếu để đứt gãy sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, do đó phải chủ động chuẩn bị nhiều phương án, cả về sản xuất trong nước và nhập khẩu.Điều hành linh hoạt
Đánh giá 5 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện tốt công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, quan trọng, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đặt quyết tâm giữ mục tiêu lạm phát năm 2022 dưới 4%. Nếu giữ mức tăng giá bình quân hàng tháng là 0,7% thì dư địa còn lại của 7 tháng sẽ đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát cuối năm là rất lớn, tác động đến đà tăng trưởng của năm 2022, do vậy phải điều hành linh hoạt để giữ lạm phát theo mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra, đánh giá, nắm bắt, dự báo tình hình để tham mưu, có giải pháp kịp thời, phù hợp, kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. “Lơ là là lạm phát kỳ vọng tăng cao, rất khó kiểm soát, phải kiên trì mục tiêu, giải pháp, kinh nghiệm có hiệu quả thời gian qua”, Phó Thủ tướng lưu ý. Nhấn mạnh phần trả lời của chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ không được lơ là. Bộ Ngoại giao phối hợp các bộ, ngành theo dõi sát tình hình lạm phát trên thế giới, theo dõi diễn biến giá cả các mặt hàng, mục tiêu chiến lược để kịp thời cung cấp cho các cơ quan chuyên môn. Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh công tác tổng hợp tin tức, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản sát tình hình thực tế, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành, chỉ đạo. UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, có biện pháp bình ổn giá, chống hành vi lợi dụng, thao túng; khi có bất thường phải kiểm tra yếu tố hình thành giá và xử lý phù hợp. Khẳng định chưa bao giờ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đến công tác điều hành giá như hiện nay, khi chỉ trong 4 tháng đầu năm đã ban hành 4 văn bản liên quan, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu phương hướng điều hành cụ thể đối với một số hàng hóa thiết yếu, trong đó, với xăng dầu - mặt hàng 5 tháng đầu năm tăng giá nhiều nhất, góp phần tác động CPI lớn nhất, phải điều hành linh hoạt, đặc biệt là bảo đảm nguồn cung trong nước. Quản lý giá vật liệu xây dựng, không để đứt gãy nguồn cung; không tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, thận trọng trong việc tăng học phí; với sách giáo khoa, cần nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá phù hợp tình hình thực tế, để mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trước mắt, cần hết sức lưu ý khi đề nghị tăng giá với mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá, phải đánh giá tác động với lạm phát, báo cáo kịp thời trước khi tăng giá./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
11:35' - 13/06/2022
Tiếp tục thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sáng 13/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngành giao thông yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đề xuất giảm phí, lệ phí
09:39' - 13/06/2022
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.
-
Kinh tế Việt Nam
Nâng chất lượng dịch vụ y tế cho người dân
08:28' - 13/06/2022
Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Phê chuẩn chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và Hà Giang
21:29' - 04/01/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và Hà Giang.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết không để sai chồng sai trong xử lý vướng mắc các dự án
19:10' - 04/01/2025
Chiều 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án trên địa bàn Thành phố.
-
Kinh tế Việt Nam
Đông Nam Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm
18:40' - 04/01/2025
Các công trình giao thông trọng điểm tại vùng Đông Nam Bộ vẫn đang được tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công với phương châm “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”…
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử
18:22' - 04/01/2025
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2025, cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ sở dữ liệu bảo vệ sản xuất trong nước
18:20' - 04/01/2025
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3649/QĐ-BCT phê duyệt Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực điều tra phòng vệ thương mại.
-
Kinh tế Việt Nam
Điều động Đại tá Nguyễn Đức Hải giữ chức Giám đốc Công an Đồng Nai
16:58' - 04/01/2025
Bộ trưởng Bộ Công an đã điều động Đại tá Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ công bố quyết định huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới
16:58' - 04/01/2025
Chiều 4/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn
16:54' - 04/01/2025
Chiều 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Kinh tế Việt Nam
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Kiên quyết xử lý nghiêm việc mua bán, vận chuyển động vật bệnh, nhập lậu
13:31' - 04/01/2025
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.