Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nghiên cứu mở rộng đối tượng và hạn mức vay vốn chính sách
Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay cho phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước - đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác diễn ra ngày 29/12 tại Hà Nội.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu ngân hàng nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn; tăng cường thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo; tiếp tục củng cố, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
Đánh giá tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường với nhiều khó khăn, thách thức và tình hình trong nước cũng đối mặt với sức ép lạm phát tăng cao, sản xuất gặp nhiều khó khăn..., Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định nhiệm vụ đặt ra trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề để "không ai bị bỏ lại phía sau". Trước đó tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 20 năm qua, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội khi đối tượng khách hàng của ngân hàng là người nghèo, vùng sâu, vùng xa, món vay nhỏ lẻ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh rất thấp, giảm từ 13,75%/tổng dư nợ khi nhận bàn giao xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ thời điểm 30/11/2022. "Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Điều này không chỉ thể hiện sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, mà còn là minh chứng sinh động cho quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tính đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng, gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%.
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng. 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên... Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch được duyệt vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước từ đó giảm dần qua từng thời kỳ: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Ông Dương Quyết Thắng đánh giá mặc dù kinh tế của đất nước và nhiều địa phương còn khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo, phù hợp; tạo nguồn lực lớn để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
"Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo; từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết sử dụng vốn đến mạnh dạn tiếp cận vốn vay, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng", ông Thắng cho hay. Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội dù đã được quan tâm bổ sung hàng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản.../.
Tin liên quan
-
Ngân hàng
Điều hành chính sách tín dụng: Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đi đôi đảm bảo an toàn hệ thống
13:47' - 28/12/2022
Sáng 28/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023.
Tin cùng chuyên mục
-
Ngân hàng
Tỷ giá hôm nay 3/7: Giá USD và NDT cùng tăng sau thông tin Mỹ-Việt Nam đạt được thỏa thuận thương mại
08:57'
Vietcombank và BIDV cùng niêm yết tỷ giá USD hôm nay 3/7 tăng lên mức 25.985 - 26.345 VND/USD (mua vào - bán ra).
-
Ngân hàng
Partnership Marketing dần trở thành xu hướng
15:27' - 02/07/2025
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt – đặc biệt là các thương hiệu vừa và nhỏ tìm đến một chiến lược marketing cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời: Partnership Marketing (Tiếp thị qua hợp tác thương hiệu).
-
Ngân hàng
SHB SAHA: Hướng tới khách hàng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
14:34' - 02/07/2025
Ngày nay, người dùng, nhất là nhóm trẻ, kinh doanh tự do hoặc bận rộn, cần ứng dụng ngân hàng dễ thao tác trên điện thoại, ít bước phức tạp.
-
Ngân hàng
Lãi suất ưu đãi mới cho vay nhà ở xã hội thấp nhất chỉ 5,9%/năm
14:16' - 02/07/2025
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố mức lãi suất cho vay ưu đãi mới áp dụng cho người mua và đầu tư nhà ở xã hội.
-
Ngân hàng
IMF kêu gọi Thụy Sĩ tăng cường giám sát ngân hàng sau cơn khủng hoảng của Credit Suisse
12:01' - 02/07/2025
IMF kêu gọi Thụy Sĩ tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng, đồng thời khắc phục những điểm yếu đã bộc lộ trong cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của Credit Suisse vào tháng 3/2023.
-
Ngân hàng
Fed có thể hạ lãi suất nhưng không chịu áp lực chính trị
10:15' - 02/07/2025
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 1/7 cho biết Fed có thể đã hạ lãi suất trong năm nay nếu không có những thay đổi chính sách đáng kể của Tổng thống Donald Trump.
-
Ngân hàng
Tỷ giá hôm nay 2/7: Giá USD tăng nhẹ
08:58' - 02/07/2025
Tại Vietcombank, giá USD được giao dịch ở mức 25.950 VND/USD (mua vào) và 26.310 VND/USD (bán ra), tăng 20 đồng ở cả hai chiều so với hôm qua.
-
Ngân hàng
Kỳ vọng mô hình ngân hàng mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ
19:52' - 01/07/2025
Để phù hợp với mô hình tỉnh, thành phố mới, Ngân hàng Nhà nước vừa thay đổi mô hình hoạt động của bộ máy quản lý ngành ở khu vực Đông Nam Bộ.
-
Ngân hàng
Lãi suất ngân hàng tháng 7: Bắt đầu xuất hiện điều chỉnh tăng
18:52' - 01/07/2025
Bước vào tháng 7/2025, đã xuất hiện động thái điều chỉnh lãi suất huy động đầu tiên từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), đánh dấu sự thay đổi sau nhiều tháng duy trì mặt bằng ổn định.