Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không lùi tiến độ cao tốc Bắc Nam

19:38' - 14/09/2021
BNEWS Các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết.

Các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cho thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết.

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cuộc họp diễn ra chiều 14/9.

Thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 vật liệu đắp nền

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đạt 98,4%.

Hiện đã khởi công xây dựng 10/11 dự án thành phần, đã triển khai thi công 25,09% tổng giá trị các hợp đồng; 1 dự án thành phần còn lại đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực và có những kết quả, chuyển biến tích cực, tuy nhiên các dự án thi công gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ.

Trong đó 2 vướng mắc lớn là thiếu vật liệu đất đắp nền và tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây cũng là 2 nội dung được bàn kỹ để tìm giải pháp tại hội nghị trực tuyến này.

Trước đó, sau khi đi kiểm tra thực tế các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào ngày 30/6/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành và bàn giao mặt bằng chậm nhất vào ngày 30/7/2021.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tại hội nghị, hiện vẫn còn khoảng 10,50km chưa bàn giao mặt bằng; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết thêm, hiện nay vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn chưa được tháo gỡ, dự án vẫn thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 để tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.

Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất,… theo quy định của Luật Khoáng sản.

Cho ý kiến tại cuộc họp, ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Vinaconex (đơn vị thi công một số gói thầu tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông) cho biết, hiện nhà thầu đã huy động hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm cán bộ kỹ sư để phục vụ thi công các dự án.

Tuy nhiên, do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nên hiện đang phải nằm chờ, dẫn điến thiệt hại rất lớn cho nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia.

Vì vậy, nhà thầu kiến nghị các địa phương xem xét rút ngắn các thủ tục cấp phép cho các mỏ đất để sớm có vật liệu đắp cho các dự án. "Đề nghị các địa phương quan tâm đến việc nâng công suất khai thác cho các mỏ phục vụ riêng cho các dự án cao tốc, đặc biệt là các mỏ mới. Bởi đây mới là con số quyết định cho việc lấy được bao nhiêu đất đưa vào phục vụ thi công dự án chứ không phải là trữ lượng của mỏ" - ông Dương Văn Mậu nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện nhà thầu Vinaconex, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các đơn giá vật liệu, nhân công, thiết bị đầu vào đều có xu hướng tăng cao, có những vật liệu tăng đột biến như giá thép tăng 35-50%, giá cát, đá tăng 20-30%, giá xi măng, bê tông tăng khoảng 10-15%,...

Điều này làm tăng giá thành chung của gói thầu lên khoảng 20-30%. Hiện nay các gói thầu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang áp dụng hình thức điều chỉnh giá theo chỉ số giá và nguồn chỉ số giá theo các tỉnh nơi có gói thầu đi qua.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ số giá của các tỉnh ban hành chỉ mang tính chất chung cho địa phương mà không phù hợp với tính chất đặc thù, quy mô của tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Do đó, nhà thầu kiến nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu xây dựng chỉ số giá riêng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để phù hợp với sự biến động thực tế giá thị trường và phù hợp với tính chất, quy mô đặc thù của tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, 3 tháng sau khi Nghị quyết 60 của Chính phủ ban hành, đến nay có 24 giấy phép mỏ được cấp mới, 8 giấy phép nâng công suất khai thác mỏ, 36 giấy phép được cấp phép thăm dò.

Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường tại các dự án thành phần, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất đắp theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương, đảm bảo về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động; không giới hạn về công suất nâng so với công suất ghi trong giấy phép khai thác.

Về giá vật liệu xây dựng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, 2 tháng qua, giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã giảm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề xuất, đối với cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nên cho phép xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh với điều kiện đảm bảo an toàn vì thi công theo tuyến, công trường xa khu dân cư.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc huy động nhân lực, vật tư, thiết bị,…(đối với các dự án mới khởi công); vận chuyển vật liệu, xăng dầu, phụ tùng thay thế cho các thiết bị đặc chủng bị hư hỏng trong quá trình thi công,... gặp khó khăn do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không lùi tiến độ cao tốc Bắc Nam

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bước đầu khắc phục thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương giãn cách xã hội do dịch COVID-19, tuy nhiên các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục, đảm bảo công tác phòng chống dịch để duy trì công trường, không để gián đoạn thi công, từ đó có cơ sở để cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cho xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam.

Muốn vậy, các Bộ, ngành, địa phương, nhà thầu phải xác định rõ trách nhiệm để cùng có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải phải tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế để chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để kịp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhà thầu phải cam kết đảm bảo đảm cung ứng đủ vật liệu xây dựng theo đúng hồ sơ dự thầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 60 của Chính phủ, các chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu với yêu cầu cao nhất là đảm bảo đáp ứng đủ vật liệu cho các công trường xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết; yêu cầu các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2021.

Các nhà thầu phải có giải pháp bù tiến độ đã chậm trên công trường như tăng ca, tăng phương tiện, thiết bị, nhân lực trên công trường. Đồng thời, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh, thiết lập và giữ vững các công trường xanh, định kỳ xét nghiệm COVID-19 hàng tuần cho công nhân trên công trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục