Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nhân lực chất lượng cao quyết định thành công của chuyển đổi xanh

15:37' - 11/04/2025
BNEWS Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tập trung nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng đội ngũ quản lý có năng lực, am hiểu về chuyển đổi xanh và có khả năng quản trị rủi ro môi trường.

“Các hợp tác xã cần chủ động vượt qua những rào cản, vướng mắc mang tính cố hữu để đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và chuyển biến mạnh mẽ trong hành động. Phát triển hợp tác xã cần gắn liền với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh mạnh tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025. Diễn đàn do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững" ngày 11/4 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển đổi xanh. Vì vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng đội ngũ quản lý có năng lực, am hiểu về chuyển đổi xanh và có khả năng quản trị rủi ro môi trường.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của các quốc gia. Việt Nam cũng đã chủ động, quyết tâm chuyển đổi xanh, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động, cam kết quốc tế hướng tới phát triển bền vững. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các thành viên cần tham gia tích cực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, xanh hoá các ngành kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi sản xuất xanh là quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên như đất đai, năng lượng... Dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đây là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh và phát triển xanh không thể tách rời công nghệ xanh, chuyển đổi số và mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ sẽ là yếu tố then chốt nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi này.

Để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh trong khu vực kinh tế tập thể một cách nhanh chóng, đúng hướng và đạt hiệu quả cao, cần xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, ổn định, có tính dự báo cao, cùng với sự hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước.

Đặc biệt, các hợp tác xã nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình này. Do đó, cần chú trọng phát triển các hợp tác xã theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ và bền vững, hướng tới tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời tối ưu hóa giá trị sử dụng đất đai thay vì chỉ tập trung vào sản lượng.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam xác định mục tiêu tổng thể là chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Đây không chỉ là động lực để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, mà còn là con đường hướng tới sự thịnh vượng bền vững về kinh tế, cân bằng xã hội và thân thiện với môi trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò của các bộ, ngành và địa phương trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế theo tinh thần kiến tạo, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023 và các chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường nguồn lực, nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của khu vực hợp tác xã.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính cần nghiên cứu ban hành quy định riêng nhằm tạo điều kiện cho các địa phương bố trí quỹ đất ưu tiên cho hợp tác xã nông nghiệp thuê hoặc mượn, với chính sách hỗ trợ giảm giá thuê trong giai đoạn đầu, giúp hợp tác xã có điều kiện ổn định và phát triển.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tài chính xanh và thu hút đầu tư quốc tế. Việt Nam sẽ phát triển các công cụ tài chính xanh phục vụ các dự án xanh. Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, đặc biệt là những đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Chính phủ cũng sẽ tăng cường hoạt động ngoại giao trong các sáng kiến toàn cầu về tăng trưởng bền vững, đồng thời xây dựng các gói tín dụng riêng hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm. Các bộ, ngành và địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp tác xã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính sẽ chủ trì xây dựng đề án riêng về chuyển đổi số dành cho hợp tác xã hoặc tích hợp với đề án chuyển đổi số doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực, chất lượng và sức cạnh tranh của hợp tác xã và sản phẩm hàng hóa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm ban hành các quy định, quy trình liên quan đến tín chỉ carbon, nhằm thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phát huy vai trò là tổ chức đại diện nòng cốt, hỗ trợ hiệu quả cho khu vực kinh tế tập thể; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tiềm năng của hợp tác xã; đồng thời tăng cường phổ biến thông tin, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ xanh và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã. Việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao để hỗ trợ hợp tác xã trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Đã đến lúc các hợp tác xã chủ động vươn ra thị trường quốc tế. Với sự cần cù, sáng tạo và tinh thần vượt khó của mình, các hợp tác xã Việt Nam có thể hợp tác để khai thác nguồn lực đất đai tại các nước bạn trong sản xuất, hợp tác phát triển kinh tế.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, điều kiện tiên quyết để hợp tác xã phát triển là cần tự hoàn thiện, nâng cao năng lực nội tại nhằm hấp thụ hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đồng thời thích ứng linh hoạt với những biến động của thị trường.  Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tăng cường sự hiểu biết, nhìn nhận khách quan hơn về mô hình hợp tác xã; tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho hợp tác xã, đặc biệt trong chuyển đổi xanh. Đồng thời, Liên minh sẽ chủ động tham mưu, đề xuất chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ phù hợp cho khu vực kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, Liên minh mong muốn các địa phương tích cực hỗ trợ thành lập và tăng vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Việc đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng, nhưng phải tránh tình trạng đào tạo dàn trải, thiếu chiều sâu. Việc đào tạo cần được thực hiện theo lộ trình cụ thể, bài bản và phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Liên minh HTX Việt Nam đề xuất các bộ, ngành tạo điều kiện để thí điểm các chương trình đào tạo cán bộ, thành viên hợp tác xã theo quy trình chuẩn, từ đó có thể nhân rộng mô hình, nâng cao chất lượng nhân lực cho toàn khu vực, bà Cao Xuân Thu Vân kiến nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục