Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia: Cần khung chính sách hỗ trợ hợp tác xã mở rộng thị trường

14:23' - 11/04/2025
BNEWS Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững" do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì

Sáng 11/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững". Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm đồng chủ trì.

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc hợp tác xã chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon trở thành yêu cầu tất yếu.

Hiện cả nước có trên 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp - chiếm hơn 64% tổng số hợp tác xã, với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có tổ hợp tác, hợp tác xã. Nếu được phát triển hiệu quả, các tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp tại khu vực này.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể,  Bộ Tài chính cho rằng, để chuyển đổi xanh thành công, cần có một khung chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường.

Luật Hợp tác xã năm 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển. Luật thể chế hóa 8 nhóm chính sách trọng tâm; trong đó, nhấn mạnh ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ… cho các tổ chức kinh tế tập thể gắn với kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Một điểm nổi bật là quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành gắn với kinh tế xanh, tuần hoàn và tri thức. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh bền vững và đổi mới sáng tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc thụ hưởng chính sách chung còn được ưu tiên tiếp cận vốn, giống, công nghệ khi chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bền vững.

Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: Để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, các bộ ngành cần khẩn trương triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng thời rà soát, điều chỉnh các chính sách chưa phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quy định mới.

Các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn, đồng thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ, nhất là về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị từ nguồn vốn đầu tư công.

Ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, khu vực kinh tế tập thể cần mạnh dạn vượt qua rào cản cố hữu, đổi mới tư duy và hành động theo hướng chủ động, sáng tạo, không trông chờ vào hỗ trợ Nhà nước. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ và chuỗi giá trị.

Các chính sách mới được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho khu vực kinh tế tập thể thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với định hướng phát triển nhanh, bền vững mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2030 đã đề ra.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, phát triển kinh tế xanh là mục tiêu hàng đầu; trong đó có sử dụng tài nguyên (đất, nước, nguyên liệu…) hiệu quả và bền vững; tiếp cận dịch vụ và tài nguyên; đầu tư xanh, thương mại xanh, việc làm xanh và đổi mới xanh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Theo ông Cấn Văn Lực, 5 khu vực ưu tiên tăng trưởng xanh: nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn; gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả.

Về tín dụng xanh, hiện nay, Chính phủ và ngân hàng nhà nước ban hành nhiều quy định, trong đó có quy định về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…

Theo vị chuyên gia này, để các hợp tác xã phát triển, tăng quy mô đóng góp vào nền kinh tế cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và bản thân hợp tác xã. Có thể đặt mục tiêu cho kinh tế tập thể và hợp tác xã đóng góp 4-5% GDP đến năm 2030.

Một trong những giải pháp quan trọng là sớm ban hành Danh mục "phân loại xanh", xác định ngành nghề ưu tiên và giao tổ chức độc lập xác nhận tiêu chí xanh. Đồng thời, xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá tác động môi trường; ban hành chính sách thay đổi hành vi tiêu dùng, sinh hoạt và đầu tư; hỗ trợ tài chính thông qua ưu đãi thuế, phí, lãi suất; thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và phát triển mô hình "tín dụng hợp tác". Bên cạnh đó, cần khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xanh và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần thay đổi tư duy, coi chuyển đổi xanh là một khoản đầu tư chiến lược vào con người, công nghệ và thương hiệu. Cùng với việc thực thi hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024, cần sớm triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới, nâng cao năng lực cán bộ, tăng khả năng thu hút vốn và cải thiện liên kết với các thành phần kinh tế khác.

Tại diễn dàn, các hợp tác xã cũng chia sẻ về các cách sản xuất xanh, cách tiếp cận nguồn hỗ trợ sản xuất xanh hay cách làm thương hiệu hiệu quả để các đối tác liên kết tiêu thụ biết và tìm đến mình... Diễn đàn cũng giải quyết các vướng mắc của các hợp tác xã tại các địa phương nhằm tìm ra các phương thức hỗ trợ phát triển hiệu quả mô hình sản xuất xanh vì sự phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục