Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về đầu tư công của 5 địa phương

19:35' - 11/10/2024
BNEWS Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với 5 địa phương Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam.

Ngày 11/10, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu Tổ công tác số 1 (theo Quyết định số 1006/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ), làm việc với 5 địa phương Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công năm 2024.

Báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 9 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 677.944,639 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 245.595,739 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 225.595,739 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 432.348,9 tỷ đồng.

Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương. Đến ngày 30/9, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ, chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 665.199,9 tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 12.744,7 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 5.654,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 7.090 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân, ước tính thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9 là 320.566,5 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 51,38%). Có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước.

Đối với các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 (bao gồm 9 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 55.718,3 tỷ đồng, các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.656 tỷ đồng. Trong 5 địa phương tham dự cuộc họp, chỉ có duy nhất tỉnh Quảng Nam chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch với số vốn là 442,465 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 16,162 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 426,303 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân, ước tính thanh toán đến hết 30/9 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 25.746,9 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung (52,99%). Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao, đạt 58,47%; thành phố Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng được giao, đạt 48,27%; tỉnh Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng được giao, đạt 40,99%; tỉnh Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng được giao, đạt 33,40%; tỉnh Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng được giao, đạt 69,37%.

Như vậy, Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, Bình Định có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước; Quảng Nam và Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo 5 địa phương nêu ra các khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trong đó, nguyên nhân chính do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng gồm: việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn do tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp, kênh mương; sử dụng đất sai mục đích hoặc mua bán bằng giấy viết tay, lấn chiếm đất hành lang công trình công cộng; công tác xác định tính pháp lý hồ sơ thửa đất gặp khó khăn; hồ sơ địa chính lạc hậu, chưa đồng bộ,... Bên cạnh đó, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất; việc khan hiếm vật liệu xây dựng do các thủ tục đầu tư, đấu thầu khai thác mỏ tốn nhiều thời gian; Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định mới của Luật...

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 5 địa phương tham dự cuộc họp cũng là các khó khăn, vướng mắc chung của cả nước, đã được Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Hội nghị của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tham gia góp ý, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng một phần do yếu tố chủ quan như: sự quyết tâm trong đôn đốc, chỉ đạo, điều hành ở cấp tỉnh, cấp huyện đôi lúc chưa sâu sắc, chưa quyết liệt dẫn đến những kết quả cuối cùng chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng cho rằng, thời gian qua, Quảng Nam thiếu hụt, chậm kiện toàn nhiều cán bộ, trong đó chủ yếu cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành liên quan đến các dự án đầu tư công nên cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn. Ngoài ra, nhiều yếu tố liên quan đến thanh tra, kiểm toán đã ảnh hưởng đến tâm lý không dám làm, sợ sai của cán bộ các cấp trong việc tham mưu, giải quyết các vụ việc chuyên môn...

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Quảng Nam sẽ quyết liệt đôn đốc, tăng cường chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, để đến cuối năm đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng kiến nghị một số nội dung, như sớm công bố kết luận thanh tra của Chính phủ để địa phương sớm có những giải pháp khắc phục, cũng như sắp xếp, kiện toàn nhân sự cho Đại hội Đảng bộ sắp đến; sớm sửa đổi những bất cập của Luật Đấu thầu...

Sau khi lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các địa phương cũng như những giải đáp của các bộ, ngành, phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các địa phương để có biện pháp tháo gỡ, những nội dung vượt thẩm quyền kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng hoan nghênh Quảng Nam thời gian qua đã tập trung tháo gỡ khó khăn, chủ động thành lập các tổ công tác đặc biệt để đôn đốc, chỉ đạo các dự án, đây là cách làm hay để các địa phương khác học hỏi; đồng thời giải quyết các vướng mắc để sớm đưa các mỏ vật liệu, khoáng sản vào khai thác, góp phần cung ứng nguồn nguyên vật liệu cho các dự án. Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian đến, xu hướng giá vật liệu sẽ còn tăng cao, do đó địa phương phải xác định, cần có những phương án để chủ động nguồn nguyên vật liệu, không để bị động như thời gian qua.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, dù khó khăn thế nào, các địa phương cũng phải phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công mà Chính phủ giao. Chính phủ trông cậy và mong muốn các địa phương cùng đồng hành để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay. Để hoàn thành mục tiêu, các địa phương cần bám sát các văn bản, chỉ đạo của Chính phủ; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tăng cường quản lý, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, coi đây là nhiệm vụ chính trị cần phải hoàn thành. Đối với những dự án trọng điểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường đôn đốc, tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn; tăng cường nguồn nhân lực ở các địa phương để hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục