Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không để tái diễn các sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không

16:04' - 25/08/2020
BNEWS Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng 7 tháng năm 2020.

Ngày 25/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia chủ trì Hội nghị đánh giá công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng 7 tháng năm 2020, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới điểm cầu 20 tỉnh, thành phố.

80% năng lực máy bay không được khai thác

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, việc nâng cấp, cải tạo sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tình hình hoạt động ở các sân bay liên quan đến xe taxi, xe dịch vụ cũng ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không. Tình hình an ninh, an toàn hàng không có những diễn biến phức tạp.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Chánh văn phòng Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cho biết, bảy tháng năm 2029, sản lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không đạt 43 triệu khách, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019 (quốc tế: 7 triệu khách, giảm 71,1%; nội địa: 36 triệu khách, giảm 19,4%). Sản lượng hàng hóa thông qua đạt 690 nghìn tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. 

Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 20,7 triệu khách, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm 2019 (quốc tế: 2,7 triệu khách, giảm 73,4%; nội địa: 18 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019); 169 nghìn tấn hàng hóa, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tại thời điểm này, 80% năng lực máy bay không được khai thác.

Công tác bảo đảm an toàn hàng không được chú trọng, trong 7 tháng không để xảy ra tai nạn hàng không (mức A); đã nhận được 123 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra 31 sự cố, giảm 40% so với cừng kỳ 2019, trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng (mức B), 5 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 24 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D).

Báo cáo cụ thể tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết, doanh thu dịch vụ an ninh của Tổng công ty sụt giảm. Mọi năm doanh thu bù chi phí nhưng năm nay, doanh thu dự kiến chỉ đạt 900 tỷ đồng, trong khi chi phí lên đến khoảng 1.500 đồng.

“Lỗ của dịch vụ này lên gần 600 tỷ đồng, nhưng chúng tôi vẫn coi an ninh, an toàn là cốt lõi của Tổng công ty. Chúng tôi tập trung đầu tư mạnh vào nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ an ninh để sẵn sàng cho những tình huống trong thời gian tới. Đặc biệt là đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động trong hoạt động hàng không dân dụng để yên tâm công tác”, ông Vũ Thế Phiệt nói.

Tranh thủ hoạt động bay giảm, Tổng công ty đã tăng cường đào tạo, huấn luyện cho lực lượng an ninh. Một trong những vấn đề Tổng Giám đốc ACV băn khoăn là cùng với sự sôi động trở lại của hoạt động hàng không trong tháng 6 và 7/2020, hoạt động xe dù gây ách tắc rất lớn trong các sân bay, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đây là vấn đề cần xử lý căn cơ.

Vietnam Airlines có 278 người đang bị cách ly

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), vận chuyển hàng không của đơn vị này 7 tháng qua chỉ bằng 60% năm 2019.

Kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, vận chuyển đã giảm xuống 5 lần, công suất khai thác chỉ còn khoảng 20% đội tàu bay, phi công, tiếp viên bị ảnh hưởng rất lớn.

Đặt nội dung trong giai đoạn dịch COVID-19 là an toàn, an ninh y tế đối với phi công, tiếp viên, kỹ sư, hành khách và cộng đồng, khác với các doanh nghiệp khác, Tổng công ty cùng các hãng hàng không hiện nay vẫn đang bay thẳng vào vùng có dịch. Đến chiều tối 24/8, Vietnam Airlines có 278 người đang bị cách ly, trong đó có 60 phi công, 142 tiếp viên, 16 kỹ sư máy bay và 60 nhân viên mặt đất.

Vietnam Airlines đã thành lập 2 cơ sở lưu trú để cách ly tại sân bay Gia Lâm và sân bay Tân Sơn Nhất để giảm áp lực cho Bộ Y tế, đồng thời có phần chủ động cho Tổng công ty.

Theo nhiệm vụ của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế giao, tháng 8 và 9/2020, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tổ chức các chuyến bay đón công dân từ các quốc gia và vùng lãnh thổ về.

Nêu bức xúc chung của ngành hàng không về vấn đề an ninh hàng không là tình trạng các đối tượng truy cập vào hệ thống giữ chỗ để lấy thông tin của hành khách, nạn xe dù sân bay, nạn lấy cắp tài sản của hành khách trên máy bay, ông Dương Trí Thành cho biết, có một nhóm đối tượng của Trung Quốc hoạt động chuyên nghiệp lấy cắp tài sản của khách. Các cơ quan liên quan đã có những biện pháp, giải pháp chủ động.

Đối với Vietnam Airlines, ngay từ khi nhận diện danh sách hành khách làm thủ tục check-in hay lên máy bay đã theo dõi và bắt được nhiều vụ.

Hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chính về công tác tuyển dụng, sử dụng phi công

Biểu dương các cơ quan, đơn vị thành viên Ủy ban An ninh hàng không, UBND các địa phương có cảng hàng không, sân bay, các doanh nghiệp hàng không đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong những tháng qua, đặc biệt trong điều kiện diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế uy hiếp an ninh hàng không như: nạn trộm cắp; hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; gây rối trật tự công cộng, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không vẫn tiếp diễn.

Chỉ rõ các sự cố uy hiếp an toàn hàng không vẫn xảy ra, trong đó phần lớn phát sinh do lỗi của con người, Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam cần điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và các yếu tố ảnh hưởng nhằm đưa ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, chú trọng đến việc giám sát công tác khắc phục sau khi xảy ra sự cố của các tổ chức, đơn vị.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; cập nhật các văn bản pháp luật, các quy định về an ninh hàng không phù hợp quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Bộ Giao thông Vận tải tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về sử dụng, quản lý hoạt động của các phương tiện bay không người lái có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai kịp thời các công việc liên quan đến thủ tục thành lập và đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An ninh hàng không Việt Nam vào hoạt động.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của ngành hàng không xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả với tình trạng trộm cắp tài sản hành lý của hành khách đi tàu bay, đặc biệt từ số đối tượng người nước ngoài. Tiếp tục quán triệt và xử lý nghiêm tình trạng xác nhận nhân thân sai cho hành khách đi tàu bay của Công an cấp cơ sở.

Lưu ý về công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin hàng không, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông nâng cao hiệu quả công tác bảo mật, an ninh, an toàn mạng thông tin.

Khẩn trương xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng; phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp vào mạng thông tin chuyên ngành hàng không.

Đối với hai đề án thành lập Đồn Công an tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm và xây dựng lực lượng An ninh trên không, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thộng Vận tải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo tốt tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Cục Hàng không Việt Nam và các tổ chức hàng không tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm an toàn hàng không.

Các doanh nghiệp hàng không, hãng hàng không tăng cường công tác bảo vệ an ninh nội bộ, rà soát, xác minh hồ sơ nhân than, đặc biệt chú trọng các vị trí quan trọng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao; nghiêm túc thực hiện công tác bình giảng, rút kinh nghiệm đến toàn thể nhân viên hàng không đối với các sự cố, vụ việc đã xảy ra để kịp thời sửa đổi, bổ sung tài liệu khai thác cũng như bổ sung các yêu cầu về huấn luyện cho đội ngũ người lái tàu bay.

Các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chính về công tác tuyển dụng, sử dụng phi công, nhân lực có tay nghề cao ở các vị trí quan trọng.

Tuyệt đối không để tái diễn các sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của con người, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung chỉ đạo, giám sát các nhà thầu, đơn vị liên quan tăng cường sự phối hợp trong quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn vừa đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, vừa đảm bảo tiến độ đề ra.

Để đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thông qua hoạt động vận tải hàng không, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục