Phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy

12:44' - 29/11/2019
BNEWS Qua 4 đợt quan trắc năm 2019 kết quả cho thấy tình trạng ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội.
Tình trạng ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 29/11, tại thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), phiên họp lần thứ 11 và lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã diễn ra với sự tham gia của đại diện 5 tỉnh, thành là Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình và Hà Nội; đại diện các bộ, ngành, các sở có liên quan.
Theo thông tin của Tổng cục Môi trường tại phiên họp, khoảng 85% các khu công nghiệp đóng trên địa bàn khu vực có hệ thống xử lý nước thải tập trung và tuân thủ khá tốt các quy định về bảo vệ môi trường; dưới 30% cụm công nghiệp đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung, trong đó riêng thành phố Hà Nội có trên 60%.

Thực tế cho thấy, tại các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình nước thải không nhiều, chủ yếu là nước thải làng nghề và không được thu gom và xử lý; nước thải sinh hoạt đổ ra sông Nhuệ - sông Đáy chiếm trên 65% tất cả các nguồn thải nhưng hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - sông Đáy.
Qua 4 đợt quan trắc năm 2019 kết quả cho thấy tình trạng ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội. Các sông nội thành Hà Nội do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt đô thị và các cơ sở sản xuất, làng nghề nên chất lượng nước luôn ở mức thấp, ô nhiễm nặng và hầu như chưa được cải thiện.
Trên dòng chính sông Nhuệ, đoạn chảy qua Hà Nội, tại đầu nguồn (cống Liên Mạc) nước sông Nhuệ hầu như chưa bị ô nhiễm. Nước thải sông Tô Lịch - nguồn tiếp nhận nước thải chính của các quận nội thành Hà Nội là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Nhuệ, đặc biệt tại điểm Cầu Tó trở đi. Chỉ số chất lượng nước vào mùa khô ở mức rất kém, nước sông bị ô nhiễm nặng; có cải thiện hơn trong mùa mưa nhưng vẫn ở mức kém, nước sông chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua tỉnh Hà Nam, chất lượng nước vẫn duy trì ở mức kém trong mùa khô. Nhưng đến mùa mưa, lưu lượng dòng chảy lớn nên nước sông được pha loãng các chất ô nhiễm, chất lượng nước ở mức trung bình.
Trên dòng chính sông Đáy, khu vực thượng nguồn sông Đáy, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội, nước sông bị ô nhiễm nặng, do chịu ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn.

Từ khu vực trung lưu đến hợp lưu sông Nhuệ - sông Đáy tại thành phố phủ Lý (Hà Nam), mặc dù môi trường nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất và tưới tiêu nhưng do lưu lượng nước sông Đáy lớn và có sự tham gia của các nhánh sông có tác dụng điều tiết nước nên chất lượng nước ở mức trung bình. Khu vực hạ lưu, đoạn từ hợp lưu sông Nhuệ - sông Đáy đến khu vực cửa sông, chất lượng nước sông cơ bản được duy trì ở mức trung bình và tốt.
Để thực hiện những mục tiêu đề ra trong năm 2020, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy Đinh Văn Điến đề nghị UBND các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tập trung rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt; điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn nước thải trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn nước thải trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ; quản lý và kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại mỗi địa phương; quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh và đề xuất các dự án hoặc nhiệm vụ cấp thiết tại địa phương về xử lý chất thải.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, kiên quyết không cho phép hoạt động đối với những khu công nghiệp không có khu xử lý nước thải tập trung; đẩy mạnh thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, điều tra thống kê nguồn thải, các tỉnh cần đưa quy hoạch môi trường vào quy hoạch tổng thể trong xây dựng chiến lược quy hoạch môi trường 2021 - 2025; ưu tiên các nguồn vốn để xử lý nước thải tập trung.
Đại diện các bộ, ngành, một số địa phương đề xuất giải pháp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nói chung, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chủ động bảo vệ môi trường lưu vực sông của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng xã hội; tìm kiếm thêm nguồn lực để giải quyết ô nhiễm như xã hội hóa, vốn vay; phương án ngăn vùng nước. Các vấn đề môi trường cấp bách cần được giải quyết liên vùng, liên tỉnh, kịp thời giải quyết các phản ánh từ thông tin báo chí, người dân.
Tại phiên họp, chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được chuyển giao từ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội./.
Xem thêm:

>>Xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, sông Tô Lịch

>>Gần 4.000 công nhân thủy lợi bị nợ lương do chậm thanh quyết toán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục