Phối hợp thực hiện tốt chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù

22:29' - 17/04/2024
BNEWS Mỗi năm các trại giam trả về cho xã hội trên 50 nghìn người chấp hành xong án phạt tù. Với số vốn được Ngân hàng Chính sách cho vay, hy vọng họ có việc làm để không tái phạm tội.

Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 - 2028 đã được ký kết chiều 17/4.

Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11) và Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận đồng chủ trì Lễ ký kết.

Chương trình nhằm tạo sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Quyết định 22. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và hợp tác giữa Công an các địa phương và các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, thành phố, góp phần chung vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo Chương trình, hai bên phối hợp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; cung cấp, trao đổi thông tin; kiểm tra, hướng dẫn; thực hiện thông tin, truyền thông và các nội dung phối hợp khác.

Đại tá Vũ Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng cho biết, mỗi năm các trại giam trả về cho xã hội trên 50 nghìn người chấp hành xong án phạt tù. Với số vốn được Ngân hàng Chính sách cho vay, hy vọng họ có việc làm để không tái phạm tội.

Theo Đại tá Vũ Văn Chiến, ngoài số người chấp hành xong án phạt tù, còn có người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, những người này cũng rất cần vay vốn, cần được tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Ông đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm cho họ vay vốn; đồng thời phối hợp với các trại giam để tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của các phạm nhân sắp hết án để họ có kiến thức, hiểu về Quyết định 22, để khi được tha tù, về địa phương họ có thể tiếp cận ngay với các quy định của Quyết định này.

Nhấn mạnh công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục C11 cho biết, sau khi có Quyết định 22, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương, tạo sức lan tỏa lớn. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các chi nhánh Ngân hàng Chính sách rà soát, lập danh sách, duyệt đối tượng.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận thông tin, xác định việc thực hiện chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm “không để người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được với nguồn vốn từ chính sách ưu đãi”, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người vay vốn tiếp cận vốn nhanh chóng, kịp thời.

Sau 6 tháng thực hiện, đến hết ngày 15/4, doanh số cho vay đạt gần 340,9 tỷ đồng với 4.154 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn. Doanh số thu nợ là 6.316 triệu đồng. Tổng dư nợ đạt gần 334,6 tỷ đồng với 4.078 khách hàng còn dư nợ.

Các tỉnh có dư nợ lớn như: Hải Dương 19,2 tỷ đồng; Bắc Giang 17,4 tỷ đồng; Nghệ An 17,3 tỷ đồng; Thanh Hóa 16 tỷ đồng; Đắc Lắc 14,6 tỷ đồng; Bình Phước 12,7 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Quyết định 22 đạt gần 36 tỷ đồng. Các địa phương có nguồn vốn ủy thác để cho vay đạt cao như: Bình Phước 7,4 tỷ đồng; Ninh Bình 3,8 tỷ đồng; Đồng Nai 2,5 tỷ đồng; Thanh Hóa 2,3 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên, có sự phối hợp thực hiện rất chặt chẽ giữa Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ Công an (đầu mối là Cục C11) thường xuyên trao đổi, nắm bắt những vướng mắc, bất cập từ cơ sở để tham mưu lãnh đạo hai ngành thống nhất ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.

Thời gian tới, để thực hiện tốt Quyết định 22 và Chương trình phối hợp giữa hai bên, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện triển khai Chương trình; báo cáo, tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Quyết định 22 nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù.

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng theo Quyết định 22 để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất; đồng thời để các cấp, các ngành giám sát đảm bảo thực hiện chính sách công khai, minh bạch.

Ông Huỳnh Văn Thuận cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an cấp xã trong công tác lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay; cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, đặc biệt là cung cấp thông tin liên quan đến người vay vốn chết, chuyển địa phương khác, phạm tội mới hoặc có dấu hiệu gây thất thoát vốn vay, không trả được nợ và xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Hằng năm, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn cấp cơ sở trong quá trình thực hiện các quy trình, thủ tục cho vay, xử lý nợ bị rủi ro, theo dõi, giám sát quá trình sử dụng vốn và thu hồi vốn vay. Đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục